Tại hội thảo nâng cao chất lượng điều dưỡng và an toàn trong chăm sóc y tế ngày 22-8, một khảo sát về tiêm an toàn tại các bệnh viện ở TP HCM được công bố cho thấy 18% điều dưỡng không rửa tay trước khi tiêm, 17% sử dụng kim pha thuốc, 33% sử dụng chung nước cất pha. PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM cho biết chuẩn hóa toàn bộ quy trình chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện nhất là giai đoạn trước, trong và sau khi bệnh nhân được phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Theo PGS Anh Thư, bệnh nhân có thể gặp các rủi ro trong quá trình nằm viện, trong đó có thể là sự cố y khoa do bệnh viện gây nên, như: uống nhầm thuốc; phẫu thuật nhầm (phẫu thuật nhầm vị trí, nhầm người bệnh); sự cố liên quan trang thiết bị y tế, môi trường; nhiễm khuẩn bệnh viện hoặc có thể gặp tai nạn (té ngã) trong bệnh viện.
Tuân thủ quy trình khám chữa bệnh sẽ giảm thiểu sự cố y khoa (ảnh minh họa)
Các ý kiến cho rằng nhân viên y tế, điều dưỡng cần tuân thủ các quy định về chống nhiễm khuẩn; trong bệnh viện cần có cảnh báo trơn trượt tại các khu vực có nguy cơ. Đặc biệt, cần tăng cường giao tiếp nhân viên y tế với người bệnh và người nhà; nghiêm túc tuân thủ các quy định về xác định người bệnh, để tránh nhầm lẫn trong trường hợp mổ, can thiệp y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết công tác điều dưỡng, hộ sinh đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Hiện cả nước có trên 73.000 y bác sĩ làm trong công tác điều trị, gần 130.000 điều dưỡng, nữ hộ sinh công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với quy định, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trước đó, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Câu lạc bộ Điều dưỡng trưởng Việt Nam với hơn 2.000 hội viên là điều dưỡng trưởng các cơ sở y tế trong cả nước. Câu lạc bộ này sẽ tiếp cận và phổ biến các quy trình, kỹ thuật mới trong chăm sóc người bệnh; đào tạo nâng cao chất lượng quản lý điều dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh.