Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, Hose: AGM) vừa "chốt" đơn hàng lớn, xuất khẩu 3 triệu tấn gạo trong 3 năm tới sang Cộng hòa Sierra Leone, bước đầu thâm nhập thành công thị trường Tây Phi. Biên bản ghi nhớ đã được ký kết vừa qua, trước sự chứng kiến của Tổng thống Julius Maada Bio của Sierra Leone cùng đoàn quan chức cấp cao. Lễ ký kết với quốc gia Tây Phi này cũng chính là tiền đề để giữ vững vị trí đầu tàu của Angimex nói riêng và vai trò của Việt Nam nói chung trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực xuyên châu lục.
Thông qua việc hợp tác "dài hơi" 3 năm, Angimex tiếp tục khẳng định vị thế "vua gạo An Giang" trên bảng xếp hạng thị trường, không lâu sau khi xuất sắc lọt vào Top 3 Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam vào tháng 8-2021. Việc bổ sung thêm đơn hàng 1 triệu tấn vào Sierra Leone mỗi năm tới - chiếm đến 16% tổng xuất khẩu gạo của cả Việt Nam trong năm 2021, Angimex được dự đoán sẽ sớm dẫn đầu thị trường ở vị trí số 1.
Angimex ký biên bản ghi nhớ hợp đồng xuất khẩu 3 triệu tấn gạo sang Cộng hòa Sierra Leone
Chia sẻ về lợi thế xuất khẩu, Chủ tịch HĐQT Angimex - Đỗ Thành Nhân cho biết: "Nhờ hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ, Angimex đã, đang và sẽ cung cấp các sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của từng thị trường. Cùng với đó là lợi thế vùng nguyên liệu, năng lực sản xuất công suất rất lớn và dịch vụ chuyên nghiệp thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng".
Để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu 3 triệu tấn trong 3 năm vào Sierra Leone cũng như tiếp cận sang các quốc gia Tây Phi khác, Angimex cho biết sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, tăng diện tích cánh đồng mẫu lớn, sử dụng phân bón hữu cơ Dasco… nhằm tăng cả về sản lượng lẫn chất lượng nguồn lúa đầu vào. Đồng thời, Angimex sẽ nâng công suất các nhà máy chế biến gạo lên mức tối đa 1.000.000 tấn trong năm 2022 và đa dạng thêm các dòng sản phẩm từ gạo có giá trị kinh tế cao.
Trong quý I/2022, Angimex còn đưa vào hoạt động Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Angimex (AGM-Agritech). AGM-Agritech sẽ cung cấp máy móc, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân như: drone không người lái để theo dõi tình hình sâu bệnh, phun thuốc bảo vệ thực vật; máy phun sạ lúa giống; máy gặt đập liên hợp… Đây chính là mắt xích cuối cùng giúp Angimex tiến tới việc hoàn thiện chuỗi cung ứng lúa gạo phục vụ hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao và quy mô lớn.
Chủ tịch HĐQT Angimex - Đỗ Thành Nhân lạc quan về triển vọng xuất khẩu gạo trong 2022.
Trải qua 45 năm nâng cao giá trị cây lúa, Angimex thuộc nhóm doanh nghiệp tiên phong đưa hạt gạo Việt ra thị trường quốc tế. Đây là đơn vị đầu tiên đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo năm 2011, được Bộ Công thương cấp phép theo Nghị định 109 của Chính phủ. Gạo Angimex hiện xuất khẩu rộng khắp đến hơn 50 quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế HALAL, ISO 22000:2005, HACCP, Food Safety… và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Singapore, HongKong, Dubai và Châu Phi.
Trong 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng chung bởi đại dịch, song Angimex vẫn bứt phá doanh thu thuần 3.925 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với 2020. Đà tăng trưởng này chủ yếu đến từ ngành kinh doanh lương thực với doanh thu 3.291 tỉ đồng, tăng gần 2.000 tỉ đồng. Trong đó, tỉ trọng xuất khẩu gạo năm 2021 đạt hơn 60%, đem về doanh thu lên tới hơn 2.039 tỉ đồng. 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Angimex tiếp tục đạt 28.145 tấn, thu về gần 322 tỉ đồng.
Giai đoạn bất ổn gần đây, thị trường có nhiều diễn biến khó lường trước xung đột các quốc gia, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng chóng mặt. Song ông Đỗ Thành Nhân cho biết Angimex đã kịp thời đưa ra các chiến lược và giải pháp ứng phó như: điều chỉnh khách hàng mục tiêu cho phù hợp với thị trường, tăng cường ký kết những đơn hàng lớn và dài hạn… Trong nguy có cơ, Angimex cũng đưa ra phương án hợp tác khiến đối tác và khách hàng hài lòng trong thời điểm an ninh lương thực quốc tế đang gặp bất ổn, nguồn cung và vật giá có nhiều biến động.
Tiết lộ về tầm nhìn dài hạn, Chủ tịch HĐQT Angimex cho biết Châu Phi sẽ là thị trường mục tiêu trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nghiên cứu thử nghiệm thêm nhiều giống lúa mới để nâng cao năng lực cạnh tranh về mặt chất lượng tại hơn 50 quốc gia đang xuất khẩu, đồng thời tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu.