Mở đầu buổi giao lưu trực tuyến ngày 6-5, tác giả Trần Uyên Phương cho biết thời gian của mỗi chúng ta là điều hữu hạn, làm sao chúng ta có thể tận dụng thời gian một cách hiệu quả. Như trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, một trong những giải pháp mà Uyên Phương vẫn thường xuyên làm đó là đọc sách. Bởi đây chính là những giá trị, những sự đúc kết của rất nhiều người, những chia sẻ thực sự về cuộc đời của họ, về những kinh nghiệm thực tế.
Do đó, sách là một trong những món quà giá trị mà các tác giả đã gửi đến cho chúng ta, đó cũng là những điều mà Uyên Phương mong muốn chia sẻ đến các bạn trẻ nếu có cơ hội, có thời gian thì hãy tận dụng nó để lấy được những kiến thức, những chia sẻ quý báu của những người khác làm hành trang trong cuộc sống của mình.
Buổi giao lưu trực tuyến với tác giả cuốn sách "Chuyện nhà Dr Thanh"
Là ái nữ của ông Trần Quí Thanh - người sáng lập Tân Hiệp Phát, tuy nhiên, may mắn của Uyên Phương không phải vì được sinh ra là con của chủ tịch tập đoàn, mà chính sự chỉ bảo, dạy dỗ của ba đã giúp cô trưởng thành.
Ba của cô đã đi qua một cuộc đời mà cô cảm thấy rất là tự hào được ở bên ông, được sống với ông từng ngày. Ông đã đi qua cuộc đời với rất nhiều biến cố, đối với ba mẹ, người thân, gia đình. Nhưng mà điều duy nhất Uyên Phương cảm thấy và học được từ ba mình đó là một niềm hạnh phúc, tương tác, cống hiến và không để quá khứ, nỗi đau trở thành một gánh nặng. Trái lại ông luôn nhìn thấy cuộc sống là những cơ hội tốt đẹp hơn và nhiều thứ đang chờ ông ở phía trước.
Trong cuốn Chuyện nhà Dr Thanh, Uyên Phương kể về cuộc đời sóng gió của ông Trần Quí Thanh. Những góc khuất đằng sau thành công, những khó khăn, thách thức mà ông Trần Quí Thanh phải đối mặt trong kinh doanh, thậm chí những tình tiết, biến cố cuộc đời, kể cả những ồn ào mà doanh nghiệp này đối mặt… cũng được con gái chia sẻ.
Qua từng trang tự truyện, Trần Uyên Phương kể lại với giọng văn chân thực, giản dị, người ta đã thấy cách ông Thanh đối mặt và vượt qua những giông tố ấy như thế nào. Nếu là người bình thường, không có được bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn xa và cả sự quyết đoán, khôn ngoan, thêm chút liều lĩnh của người chủ tịch Trần Quí Thanh, chắc chắn, Tân Hiệp Phát đã không thể lớn mạnh như ngày hôm nay. Cuốn sách kể về câu chuyện khởi nghiệp của một doanh nhân sẽ rất hữu ích với những ai muốn tự thân lập nghiệp.
Trần Uyên Phương cũng là tác giả cuốn sách được ForbesBooks xuất bản
"Khi tôi viết cuốn sách, đó đơn giản chỉ là một món quà mà tôi mong muốn tặng cho ba mẹ mình. Đối với tôi, ba mẹ là một món quà rất lớn mà cuộc sống ban tặng cho tôi. Điều mà tôi muốn làm là để ba mẹ cảm thấy tự hào, cảm thấy vui", Uyên Phương cho biết.
Tại buổi giao lưu, tác giả Trần Uyên Phương cũng đã chia sẻ về việc tặng 1.000 cuốn sách cho Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 với hy vọng những độc giả mong muốn được đọc sách sẽ có cơ hội được tiếp cận với giá khuyến mãi chỉ 50.000 đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ ủng hộ vào quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh viết tự truyện gia đình, Uyên Phương cũng viết sách dành cho những ai quan đâm đến kinh doanh. Năm 2018, bà cùng nhà báo Anh Jackie Horne và chuyên gia kinh tế Mỹ John Kador ra mắt cuốn Competing with Giants (Vượt lên người khổng lồ). Đây là lần đầu tiên một cuốn sách của doanh nhân Việt Nam được ForbesBooks lựa chọn xuất bản và công bố ra mắt ở trụ sở của Forbes tại Mỹ.
Cơ duyên đưa Trần Uyên Phương tới với "Competing with Giants" khi theo học chương trình giảng dạy đào tạo lãnh đạo tại Đại học Havard năm 2012. Trong một bài tập tình huống (case study), câu chuyện một doanh nghiệp địa phương như Tân Hiệp Phát mà có thể trụ vững, cạnh tranh và vượt lên các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới thực sự gây ngạc nhiên đối với mọi người. Đại diện nhà trường đề nghị Uyên Phương làm một bài nghiên cứu. Đây cũng là khởi nguồn cô lên ý tưởng viết thành một cuốn sách để nhiều người đọc được hơn.