Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, thời gian thí điểm 5 năm. Các cơ chế, chính sách đặc thù mới chỉ là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa. Do đó, TP Buôn Ma Thuột cần phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa mới phát huy được hiệu quả.
Ông Trần Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết ngay khi Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội được ban hành, thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Tài chính đề xuất phân cấp toàn bộ số tiền được bổ sung từ chính sách của nghị quyết. Phối hợp và xin ý kiến thống nhất để phân bổ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu như: Chỉnh trang đô thị, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2045, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch chuyển đổi số của thành phố…
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo thành phố đã phối hợp với các sở, ngành góp ý dự thảo, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 3-1-2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND thành phố thực hiện sớm nhất 5 cơ chế đã được ban hành.
Về phía thành phố, cũng đã ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, phòng ban chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành tham mưu thực hiện hiệu quả các cơ chế. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Bộ chính trị định hướng trong Kết luận số 67-KL/TW và Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, thành phố cũng đã chủ động ưu tiên nguồn lực từ nguồn vốn đầu tư công để đầu tư, xây dựng và cải tạo nhiều tuyến đường giao thông mang tính kết nối, lan tỏa. Cải tạo nhiều công viên, hoa viên, bổ sung và thay thế hệ thống cây xanh, cải tạo nâng cấp vỉa hè, suối, hồ đập… để ngày càng tiến gần và đạt mục tiêu đề ra là "Xây dựng thành phố xanh, bản sắc".
Xây dựng TP Buôn Ma Thuột xanh, bản sắc
Song song đó, UBND thành phố báo cáo với Thành ủy tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ và sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng về Nghị quyết này đối với sự phát triển của thành phố nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Phối hợp, đồng lòng, đoàn kết triển khai thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả nhất.
Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết thêm, thành phố đã có Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng. Tập trung đầu tư cho các buôn giữ gìn bản sắc văn hóa theo hướng "buôn trong phố, phố trong buôn" mang đặc trưng của TP Buôn Ma Thuột. Phát triển đô thị Buôn Ma Thuột ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phấn đấu diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đến cuối nhiệm kỳ sẽ nâng lên 9m2/người.
"Bản sắc văn hóa trong kiến trúc đô thị chính là yếu tố đặc trưng của thành phố. Do vậy, trong quy hoạch xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột phải gắn với quy hoạch bảo tồn di sản kiến trúc và di sản thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống buôn, làng trong đô thị".
Ông Trần Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột