Ông Nguyễn Văn Huỳnh trong buổi lễ bàn giao căn nhà mới
Cuối tuần qua, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) phối hợp Điện lực Sóc Trăng và UB MTTQ tỉnh Sóc Trăng tổ chức trao tặng 2 căn nhà tình nghĩa trên địa bàn huyện Long Phú và huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Đây là 2 trong số 10 căn nhà tình nghĩa, tình thương ở tỉnh Sóc Trăng được EVN SPC tài trợ trong năm 2017, với tổng kinh phí 500 triệu đồng, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng.
Trong 10 căn nhà do EVN SPC trao tặng, có 6 căn nhà tình nghĩa và 4 căn nhà tình thương, được trao cho bà con nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách ở các huyện Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị, Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung… Các huyện này có tỉ lệ hộ nghèo khá cao, khoảng 16-17%.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó trưởng Ban Quan hệ Cộng đồng EVN SPC tặng quà cho ông Nguyễn Văn Huỳnh tại lễ trao tặng nhà
Ông Nguyễn Văn Huỳnh (66 tuổi; ngụ ấp Ngọn, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú) là một trong những hộ nghèo được EVN SPC xây nhà mới. Ông Huỳnh từng làm giao liên xã, năm 1965 bị trúng mảnh bom ngay cột sống dẫn đến liệt hai chi. Ông nghỉ hưu sớm vì mất sức lao động vào năm 1999, với hạng thương tật thương binh 2/4.
Ông Huỳnh thuộc diện gia đình chính sách, được hỗ trợ về nhà ở nhưng trước đây, dù chính quyền địa phương nhiều lần đề nghị ông làm đơn cấp nhà đại đoàn kết, ông vẫn một mực từ chối. Ông cho biết nhà bị hư thì sửa tạm che nắng che mưa, để dành suất ưu tiên cho người hoàn cảnh đáng thương hơn. Còn bản thân ông tuy bị liệt hai chân nhưng vẫn làm được nghề thợ mộc và có thêm đồng vào đồng ra từ mấy chục gốc dừa quanh vườn. "Xã Hậu Thạnh còn nhiều người nghèo lắm nên tôi nói hãy dành số tiền đó để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình" - ông Huỳnh chia sẻ.
Do ảnh hưởng của chất độc da cam nên ông Huỳnh bị vô sinh, vợ ông rồi cũng không sống cùng. Ông một mực từ chối trao nhà vì nghĩ mình tự lo được cho bản thân, bởi ít ra nghề mộc, vài gốc dừa trong vườn cũng giúp ông sống qua ngày.
Nhưng rồi tuổi cao sức yếu, ông Huỳnh không thể làm mộc được nữa. Cuộc sống chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp thương binh. Căn nhà ngày càng xuống cấp, không thể sửa được nữa... Đến lúc nghĩ "không còn ai khó khăn hơn mình", ông Huỳnh mới cậy nhờ đến sự giúp đỡ. "Nhờ Tổng Công ty Điện lực miền Nam hỗ trợ 50 triệu đồng và sự giúp đỡ của chị ruột và các cháu góp thêm 40 triệu nữa, tôi mới có được căn nhà khang trang như thế này đây" - ông Huỳnh xúc động.
Bà Lê Thị Hờn Em và cháu bên căn nhà mới
Căn nhà thứ 2 mà EVN SPC góp sức xây dựng được trao cho bà Lê Thị Hờn Em (54 tuổi; ngụ ấp Mỹ Hội, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách). Bà Em bị sốt bại liệt, tật nguyền từ nhỏ. Bà không có gia đình, hàng ngày trong xóm ai thuê gì làm nấy. Đã vậy, bà còn nuôi thêm 4 đứa cháu. Bữa cơm gia đình chỉ có cơm trắng và rau luộc quanh năm. Hai cháu lớn nay đã trưởng thành đi làm xa, mỗi năm về nhà thăm bà hai lần vào dịp nghỉ hè và Tết.
Ngôi nhà của bà là căn nhà tình thương được xây dựng năm 2011 nhưng đã bị tốc mái hoàn toàn sau cơn lốc mới đây. Được EVN SPC tài trợ 50 triệu đồng và người chị ruột cho thêm 18 triệu đồng, căn nhà của bà được xây dựng lại trên nền nhà cũ. Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Sóc Trăng cũng phụ một tay, giúp thêm 5 triệu đồng để đóng trần chống nóng…
Bà em bày tỏ: "Trong túi tôi chưa bao giờ có tới 1 triệu đồng. Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền, và đặc biệt là của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, cả đời này chắc tôi chẳng bao giờ có được ngôi nhà khang trang như vầy".
Xã Hậu Thạnh là một trong những xã nghèo nhất huyện Long Phú, mỗi năm xã xây dựng khoảng 30 căn nhà "đại đoàn kết" cho các gia đình thuộc diện chính sách, nghèo và hoàn cảnh thật khó khăn… Với EVN SPC, không chỉ có ánh sáng điện mà chính những việc làm thiết thực, sự sẻ chia, đồng hành đã tiếp thêm nguồn sáng tình thương cho bà con nơi đây.
Cùng với mục tiêu phủ kín lưới điện cho các vùng sâu, vùng xa, những năm qua, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã dành kinh phí hàng tỉ đồng mỗi năm để xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, tình thương cho bà con nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam.