Tình trạng học sinh bị thấp còi do suy dinh dưỡng ở Tây Bắc
Ngày 20-9, đoàn Quỹ Chăm sóc Sức khỏe Gia đình Việt Nam (Quỹ CSSKGĐ Việt Nam) đã tới thăm Trường mầm non thôn An Thành, thuộc Trường Mầm non Ban Mai, xã Thống Nhất, TP Lào Cai và Trường TH & THCS Số 2 Tả Phời thuộc thành phố Lào Cai. Hành trình đường đèo tuy gập ghềnh, xa xôi nhưng không phải là trở ngại làm chùn bước những tấm lòng hảo tâm sẵn sàng sẻ chia niềm hạnh phúc miền xuôi đến với trẻ em đồng bào dân tộc miền cao.
Lào Cai là một trong những tỉnh có tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở mức cao, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi (cân nặng/tuổi) năm 2022: 15,03%; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi (chiều cao/tuổi) năm 2022: 26,93%. Nhiều gia đình cho con em đi học gần như phó thác trách nhiệm chăm lo bữa ăn dinh dưỡng của trẻ cho nhà trường, từ đó tạo nên áp lực rất lớn đè nặng trên vai của các thầy cô nơi đây.
Bữa ăn bình thường của các em trung bình chỉ có 6.000 đồng với một chút thịt (Nguồn: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam)
Cô Lương Thị Tuyên - Hiệu trưởng điểm Trường mầm non Ban Mai, nơi đang có 58 em theo học - cho hay: "Nhận thức của phụ huynh về chăm lo bữa ăn dinh dưỡng cho các con vẫn chưa cao. Lý do chính xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn khi cha mẹ các em đi làm nông là chính, trình độ văn hóa thấp. Nhiều em về nhà chỉ ăn cơm trắng với rau cho qua bữa. Trong phạm vi nhà trường, chúng tôi luôn cố gắng để các em có được bữa ăn đầy đủ hơn".
Thực trạng tương tự được ghi nhận tại Trường TH & THCS Số 2 Tả Phời khi có tới 100% các em học sinh đang theo học tại trường là người đồng bào dân tộc Dao. Trường hiện có 313 em thuộc 3 cấp Mầm non, Tiểu học và THCS, trong đó 38 em cấp Mầm non không có chế độ hỗ trợ ăn tại trường, 182 em ở bán trú cấp Tiểu học và THCS được hỗ trợ tiền ăn 3 bữa chưa đến 300 ngàn đồng mỗi tháng. Cô Sầm Thị Quyên - Giáo viên Trường TH & THCS Số 2 Tả Phời - chia sẻ thêm: "Nhà trường đã rất tiết kiệm để có thể tổ chức cho các em sinh hoạt 3 bữa/ngày, tuy vậy bữa ăn vẫn không thể đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với thể chất ở lứa tuổi của các em. Hiện đa số các em gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu cân, trong đó có đến 40% các em học sinh bị thấp còi do suy dinh dưỡng".
Quỹ CSSKGĐ Việt Nam hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng
Chung tay cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai trong công tác cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, hướng đến thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025, Quỹ CSSKGĐ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí xây dựng bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh Trường Mầm Non Ban Mai và Trường TH & THCS Số 2 Tả Phời với tổng giá trị là 80 triệu đồng.
Các thành viên Quỹ cùng nhau hỗ trợ giáo viên chuẩn bị bữa ăn cho trẻ (Nguồn: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam)
Ông Phạm Sơn Tùng - Trưởng ban điều hành Quỹ - cho hay: "Tôi cùng các thành viên Quỹ mong rằng với phần đóng góp này có thể giúp cho bữa ăn của các em thêm đầy đủ chất dinh dưỡng. Từ đó, tạo động lực cho các em tới lớp học đều đặn tiếp thu kiến thức cần thiết, làm hành trang cho cuộc sống sau này. Hy vọng, hoạt động này sẽ là nguồn chia sẻ, động viên giúp quý thầy cô vững tâm trên hành trình giáo dưỡng các em nên người. Qua chương trình này, Quỹ CSSKGĐ Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết của chúng tôi đối với việc phát triển bền vững luôn gắn liền với các hoạt động trao đi giá trị yêu thương cho cộng đồng".
Ông Sơn Tùng đại diện Quỹ trao biểu trưng tài trợ cho nhà Trường mầm non Ban Mai (Nguồn: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam)
Cũng nhân dịp Trung thu năm nay, Quỹ CSSKGĐ Việt Nam phối hợp cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chương trình Gala "Ghép đôi trăng tròn" cho trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn tại trường TH & THCS Tuân Lộ, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Đại diện Quỹ trao quà Trung thu cho các em nhỏ trong Chương trình Gala "Ghép đôi trăng tròn" (Nguồn: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam)
Chương trình có tổng kinh phí tài trợ là 75,5 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng được trao cho các em tại trường Tuân Lộ, phần còn lại được thông qua Hội Chữ thập đỏ điều phối cho các trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương khác.