Theo Bộ Y tế, việc sáp nhập các đơn vị ở tuyến tỉnh theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh (CDC) xuất phát từ thực tế hầu hết các tỉnh đều có nhiều trung tâm, đơn vị sự nghiệp cùng có chức năng quản lý về y tế dự phòng.
Dôi dư cả chục ngàn lãnh đạo, cán bộ y tế
Nhận định này được ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, chia sẻ bên lề hội nghị triển khai thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BYT hướng dẫn chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh. Theo ông Phạm Văn Tác, việc thành lập Trung tâm CDC là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang đối mặt với bài toán nhân sự, trong đó có việc phân bổ các chức danh lãnh đạo. Trung bình mỗi tỉnh hiện có 6 trung tâm không giường bệnh, tương đương có 6 giám đốc và 18 phó giám đốc. Khi sáp nhập để tổ chức theo mô hình CDC, chỉ còn 1 giám đốc và 3 phó giám đốc. Do đó, bình quân mỗi tỉnh sẽ dư thừa 5 giám đốc và khoảng 16-20 phó giám đốc.
"Cả nước có 63 tỉnh/thành, vậy nếu đều thực hiện theo mô hình CDC thì sẽ dôi dư ra khoảng 1.260 lãnh đạo, chưa kể cán bộ cấp trưởng phòng, phó phòng thì số lượng cán bộ được sắp xếp lại rất lớn. Tương tự, ở cấp huyện, có khoảng 500 huyện vẫn chưa sắp xếp lại theo mô hình trung tâm y tế đa chức năng, tới đây sẽ triển khai. Hiện mỗi huyện có bình quân khoảng 2 đơn vị sự nghiệp (bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm y tế huyện), nếu tổ chức sáp nhập thành một, sẽ dôi dư khoảng 2.000 cán bộ lãnh đạo nữa. Tính trên cả nước ở tuyến tỉnh và tuyến huyện sẽ thừa hơn 3.000 lãnh đạo, chưa kể khoảng 12.000 viên chức thuộc các bộ phận khác như hành chính, kế toán, lái xe... Hiện có 26 tỉnh, thành phố đã sáp nhập, hợp nhất các trung tâm, chi cục thuộc sở y tế thành Trung tâm CDC" - ông Tác nói.
Việc sáp nhập các trung tâm y tế tuyến tỉnh sẽ giúp tiết kiệm ngân sách và người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn
Chuyên môn mạnh hơn, người dân được lợi
Trung tâm CDC tuyến tỉnh có chức năng triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, trung tâm này còn có chức năng phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám, phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật được Bộ Y tế đưa ra với 12 khoa, phòng chuyên môn, trong đó có nhiều khoa, phòng trùng với các đơn vị trực thuộc sở y tế như: ký sinh trùng, côn trùng; truyền thông giáo dục sức khỏe; kiểm dịch y tế quốc tế; sức khỏe môi trường và y tế học đường…
GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng việc sáp nhập như vậy sẽ tập trung chuyên môn hơn, chuyên sâu hơn, do đó người dân sẽ được theo dõi sức khỏe bởi một đơn vị thống nhất. "Vì có chuyên sâu nên tập trung giảm bớt các khâu hành chính, chuyên môn tập trung hơn nên công việc sẽ kịp thời hơn vì số cán bộ chuyên môn được ở lại chắc chắn lại được chọn lọc tinh nhuệ hơn, tăng cường hơn" - ông Long khẳng định.
Ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, cho biết ở tuyến huyện sau khi sáp nhập bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng thành một đơn vị thống nhất đã cho thấy hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến cơ sở trong quản lý sức khỏe cộng đồng, hướng dẫn phát hiện các bệnh truyền nhiễm, dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận việc sáp nhập các đơn vị cũng đang khiến nhiều địa phương lúng túng trong việc sắp xếp, bố trí nhân lực để bảo đảm quyền lợi của người lao động; đặc biệt là đối với chức danh lãnh đạo và bộ phận làm công việc hành chính. Khi sáp nhập, sẽ có người "bỗng nhiên" bị thôi chức giám đốc, chắc chắn sẽ có tâm tư. Vì thế, theo quy định, những trường hợp này vẫn được duy trì các chế độ như đương chức đến hết nhiệm kỳ bổ nhiệm.
Ông Tác đánh giá với việc tinh giản cán bộ sẽ giảm đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đơn cử, mỗi chuyên viên ngân sách chi khoảng hơn 20 triệu đồng/năm, với các giám đốc, riêng việc cắt giảm được các chi phí xe công, xăng xe... cũng là nguồn kinh phí đáng kể. "Việc sáp nhập trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và phù hợp với mô hình quản lý ở nhiều nước trên thế giới. Với mô hình CDC, nhiệm vụ chuyên môn là kiểm soát dịch bệnh tập trung một đầu mối, đội ngũ nhân lực sẽ mạnh hơn, nhờ đó người dân được chăm sóc sức khỏe hiệu quả và kịp thời hơn" - ông Tác nói.