Đại diện lãnh đạo Công ty Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện WASI, cùng hơn 50 cán bộ khuyến nông từ các huyện trồng cà phê trọng điểm của 5 tỉnh Tây Nguyên đã tham dự hội nghị.
Quang cảnh buổi Hội nghị
Tính cấp thiết của chương trình
Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước (chiếm 92% diện tích), đóng góp lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Anh Cường, Trưởng phòng Nghiên cứu - Phát triển sản phẩm, Công ty Bình Điền, thành viên ban cố vấn chương trình, thì các vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên được nông dân bón quá nhiều phân bón khoáng, phun xịt quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, lãng phí lớn nguồn tài nguyên nước tưới; cây trồng xen đa dạng mà chưa có mô hình hiệu quả cao; quản lý giống lỏng lẻo; cùng với những tác động khách quan như nắng nóng kéo dài hoặc ngay trong mùa mưa cũng có khi nắng nóng kéo dài, mưa lại bất thường; giá vật tư nông nghiệp không ổn định, khó cho tính toán đầu tư của nông dân; hiện tượng xói mòn làm mất độ phì nhiêu của đất, trong khi nông dân đầu tư không cân đối giữa phân bón khoáng và phân bón hữu cơ, gần như không bón phân hữu cơ, làm cho đất trồng cà phê bị suy thoái nghiêm trọng, nổi bật nhất là suy thoái hữu cơ, suy giảm độ no bazơ, hệ sinh học đất (động vật và vi sinh vật có ích) bị ảnh hưởng lớn. Chỉ tính riêng vụ hạn năm 2016 đã ảnh hưởng đến 116,4 ngàn ha cà phê tại Tây Nguyên, diện tích cà phê mất trắng do hạn là 6,9 ngàn ha.
TS. Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển sản phẩm Công ty Bình Điền phân tích các tác động tích cực của chương trình nếu được thực hiện một cách bài bản
Theo Cục Trồng trọt, diện tích cà phê tái canh giai đoạn 2014-2020 lên đến 90 ngàn ha và 30 ngàn ha khác phải ghép cải tạo (chiếm 18,5% tổng diện tích cà phê toàn vùng). Dự kiến đến năm 2025 diện tích cà phê cần tái canh là 75 ngàn ha và 35 ngàn ha cần ghép cải tạo. Gần đây, diện tích cây trồng xen trong vườn cà phê đang có xu hướng tăng rất nhanh, cũng là điểm cần phải tính toán cụ thể.
Kỹ thuật canh tác cà phê truyền thống, cộng với tác động của biến đổi khí hậu đã, đang ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cà phê tại Tây Nguyên. Vì vậy việc tổ chức Chương trình Canh tác Cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ông Cường nói: "Mục tiêu đặt ra của chương trình là xây dựng được quy trình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu áp dụng cho vùng Tây Nguyên đề giúp duy trì và tăng năng suất (Việt Nam đang là số 1 thế giới), tăng tính cạnh tranh của cà phê Tây Nguyên bằng cách tiết giảm chi phí sản xuất với bộ sản phẩm Phân bón Đầu Trâu chuyên dùng, sử dụng đúng, đủ và tiết kiệm nước tưới, hạn chế sâu bệnh hại và thuốc BVTV trên cây cà phê, từ đó giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho nông dân, tiến tới trình cấp có thẩm quyền công nhận quy trình là một Tiến bộ kỹ thuật".
Tại hội nghị, ban cố vấn chương trình đã triển khai công tác điều tra thực tế 500 hộ canh tác ở 5 tỉnh Tây Nguyên; tổ chức phân tích 200 mẫu đất ở các tầng canh tác trong các vườn trồng cà phê thuần, trồng xen (sầu riêng, hồ tiêu…), trong các vườn cây già cỗi, vườn cà phê đang sung sức… để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu hiện tại và dự báo cho 3 năm tới. Chọn mỗi tỉnh 3 huyện trọng điểm, mỗi huyện 6 đến 7 hộ trồng cà phê giỏi, tổng cộng 5 tỉnh có 100 hộ làm mô hình điểm, thời gian từ 2023 đến 2025. Sau đó sẽ có đánh giá tổng kết và nhân rộng chương trình ra toàn vùng.
TS. Trương Hồng, nguyên Quyền Giám đốc WASI, thành viên hội đồng cố vấn chương trình chia sẻ về canh tác cà phê thông minh
TS. Trương Hồng, nguyên Quyền Giám đốc WASI, thành viên hội đồng cố vấn chương trình, cho biết: "Canh tác cà phê thông minh là hệ thống các giải pháp kỹ thuật mới, đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, tăng thu nhập cho nông dân. Hướng tới nông dân cần sử dụng giống mới, từ cơ sở sản xuất uy tín; nên trồng cà phê ghép theo hàng; đa dạng hóa sản phẩm trên vườn cà phê bằng trồng xen cây ăn quả có giá trị; sử dụng các loại phân bón thế hệ mới cân đối, hợp lý giữa vô cơ và hữu cơ; tưới đúng, đủ lượng nước và đúng thời điểm; dùng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng…
Hứa hẹn thành công
Tham dự hội nghị, ông Na Ry, cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum rất tâm đắc với chương trình, ông nói: "Việc ban cố vấn phân tích rất rõ, rất sâu thực trạng ngành sản xuất cà phê tại Tây Nguyên hiện nay, từ đó đề ra Chương trình canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu với từng bước tổ chức thực hiện rất cụ thể, chặt chẽ, chắc chắn, có công tác bảo đảm chu đáo về mọi mặt, tôi tin chương trình sẽ thành công".
Bà Triệu Thị Yên, phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: " Chương trình cứ tiến hành từng bước theo kế hoạch đã đề ra, tôi tin người dân sẽ rất dễ tiếp cận, sẽ ủng hộ và hào hứng tham gia, bởi lợi ích rất dễ thấy cho chính mình từ mục tiêu của chương trình đem lại".
Ông Ngô Văn Đông - TGĐ. Công ty CP Phân bón Bình Điền phát biểu tại Hội nghị
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ: "Bình Điền vừa tổ chức rất thành công Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là Tiến bộ kỹ thuật và khuyến nghị mở rộng sản xuất ra toàn vùng. Mục tiêu của Bình Điền là làm sao nâng cao được đời sống mọi mặt cho bà con nông dân. Từ lúa, giờ đến cà phê. Làm cà phê khó hơn nên phải làm kỹ, từng bước, trong 3 năm tới. Ta có thiên nhiên ưu đãi, nhưng phải có công nghệ tiên tiến can thiệp mới có hiệu quả cao, nhất là làm hàng xuất khẩu. Từ chương trình của Bình Điền, chúng tôi mong muốn sự hợp tác của các lực lượng từ đầu vào đến đầu ra cho sản xuất cà phê của bà con nông dân Tây Nguyên".