Là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngày nay, những tỉ phú nông dân ở vùng đất Lâm Đồng không hề hiếm, trong đó phải kể đến nhóm nông dân đi đầu ở huyện Đơn Dương.
Liên kết với doanh nghiệp để đổi mới
Nếu như năm 2004, Lâm Đồng mới bắt đầu thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thì chỉ sau 2-3 năm, nhóm nông dân này đã biết "bắt tay" với nhà phân phối ngoại dẫn đầu thị trường bán lẻ Việt Nam thời điểm đó là Metro (nay là MM Mega Market Việt Nam) khi doanh nghiệp này đầu tư xây dựng trạm trung chuyển rau củ Đà Lạt vào năm 2005.
Bắt đầu tham gia vào chương trình hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng rau củ an toàn với Công ty MM Mega Market Việt Nam (MM) từ năm 2007, ông Nguyễn Văn Đô nay đã là một nông dân tỉ phú của huyện Đơn Dương. Nhớ lại giai đoạn đầu chuyển đổi từ nông dân tự do sang phương thức sản xuất của nông dân chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn MM, ông gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, ông cũng như nhiều nông dân trong nhóm gồm 17 hộ đã được sự quan tâm hỗ trợ rất sâu sát của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp MM trong suốt quá trình sản xuất. Ông cho biết khi hợp tác với MM, ông bắt đầu được hướng dẫn từ việc viết nhật ký sản xuất, ghi chép cụ thể sử dụng giống gì, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho đến ngày giờ thu hoạch dưới sự giám sát rất chặt chẽ của kỹ sư nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đô là một trong 20 nông dân tiêu biểu hợp tác trên 10 năm với MM Mega Market
Ông Đô cũng cho biết chính những khóa huấn luyện thường xuyên của MM trong suốt nhiều năm đã "biến" ông từ một nông dân chỉ biết cầm cuốc thành ông nông dân chuyên nghiệp, thành thạo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến cách phòng ngừa sâu bệnh hay luân canh tăng vụ để tăng năng suất cây trồng. Sau nhiều năm làm việc với MM, nông dân này đã quen với các cuộc họp, phân công và lên kế hoạch sản xuất hằng tháng như một "nhà kinh doanh" thực thụ.
Và tạo đòn bẩy phát triển
Sau 10 năm hợp tác với MM, hiện trang trại có diện tích 1,2 ha của ông Đô đang trồng hai mặt hàng rau củ chính là cà chua và cải thìa. Mỗi tháng, trang trại của ông cung cấp cho MM khoảng 3 tấn cải thìa và 9 tấn cà chua. Ông Đô cũng đang sử dụng 4 nhân công lành nghề để hỗ trợ cho công việc sản xuất hằng ngày tại trang trại của mình. Với giá thu mua ổn định, cạnh tranh, tổng sản lượng rau củ này đã đem lại cho ông doanh thu lên đến tiền tỉ mỗi năm.
Ông Đô vui vẻ chia sẻ: "Hợp tác với MM, chúng tôi được bảo đảm đầu ra lâu dài, giá cả thu mua của MM cũng rất tốt nên chúng tôi yên tâm đầu tư máy móc, xây dựng nhà kính để phục vụ sản xuất. Khi có đầu mối thu mua ổn định, chúng tôi chỉ tập trung duy nhất vào việc sản xuất làm sao cho đẹp về mẫu mã và sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm".
Là một trong những lớp nông dân đầu tiên ở Lâm Đồng đi đầu tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp bền vững với MM, nhờ tích cực thay đổi tư duy, không ngại học hỏi cái mới, những nông dân như ông Nguyễn Văn Đô không chỉ phát triển cho bản thân mà còn góp phần tích cực hiện thực hóa mục tiêu tham vọng của Lâm Đồng "trở thành trung tâm rau hoa không chỉ ở Việt Nam mà ở khu vực Đông Nam Á".