Địa ốc
14/09/2016 10:11

TP HCM: xây nhà không phép vì tin lời cò đất

Bình Chánh là 1 trong những huyện của TP HCM có nhu cầu nhà ở lớn và cũng là huyện khá mạnh tay tháo dỡ nhà không phép.

Tin lời đường mật của “cò”, nhiều người dân nơi đây đã và đang xây những ngôi nhà không phép...

Bình Chánh luôn là địa phương “dẫn đầu” TP HCM về tình trạng xây dựng không phép trong nhiều năm qua. Đến năm 2016, tình trạng này vẫn chưa hề giảm. Toàn huyện hiện có có 535 trường hợp vi phạm xây dựng với khoảng 300 trường hợp xây dựng không phép. Các trường hợp tập trung tại ba xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.

“Cò” hứa xây lại khi nhà bị dỡ

Lâu nay, huyện Bình Chánh có tiếng là mạnh tay trong việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà không phép. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở quá lớn, nhiều người dân lại tin lời đường mật của “cò” nên nhà không phép tiếp tục mọc lên. Và không ai khác chính người mua lãnh đủ hậu quả khi chính quyền ra tay.

Nhiều căn nhà không phép đã bị cưỡng chế dọc theo các con đường tại ấp 4, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc A. Trên nền đất chỉ còn lại lổn nhổn gạch đá lẫn những tấm tôn cũ. Ông Nguyễn Hồng Chi cán bộ trật tự đô thị ở tổ 1, ấp 1A, xã Vĩnh Lộc B chỉ cho phóng viên căn nhà đang nằm trong danh sách chuẩn bị cưỡng chế, tháo dỡ. Căn nhà này được che chắn bên ngoài bởi hàng rào bằng tôn cũ cùng một tấm bạt lớn và nhiều chậu cảnh. Phía sau cũng được bao bằng những tấm tôn thủng lỗ chỗ. Nhìn bên ngoài thì khó biết rằng bên trong các bức tường đang dần được xây lên bằng gạch để thay thế cho vách tôn.

Vị cán bộ trật tự đô thị cho biết đây là hình thức xây nhà không phép phổ biến. Họ dùng bạt, tôn cũ dựng làm nhà tạm rồi lén lút xây dựng kiên cố dần. Nhiều trường hợp chỉ sau một đêm, ngôi nhà không phép đã được xây dựng xong.


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ông Phạm Văn Quyền, chủ nhân căn nhà không phép tại ấp 1 vừa bị cưỡng chế tháo dỡ vào cuối tháng 8/2016 cho biết hiện cả nhà ông phải tá túc tạm tại nhà hàng xóm. Lý giải việc xây nhà không phép của mình, ông Quyền chia sẻ là do tin lời hứa hẹn của một “cò” xây dựng tên Hiếu ở địa phương. "Cò” Hiếu hứa sẽ đảm bảo cho gia đình ông sinh sống ổn định, không lo bị tháo dỡ. Vì thế ông Quyền gom góp, vay mượn 230 triệu đồng để có được căn nhà này. Nhưng vào ở mới hai năm thì ông Quyền nhận được thông báo là chính quyền sẽ tháo dỡ nhà do xây dựng không phép. "Cò" Hiếu lại cam kết chờ một thời gian nữa sẽ liệu đường xây lại nhà cho ông Quyền nhưng ông đã không còn tin tưởng.

Nhà không phép tại xã Bình Hưng chủ yếu mọc lên trên các khu đất trống xen cài trong khu dân cư. Lãnh đạo xã cho biết không ít người biết xây nhà xong có nguy cơ bị đập bỏ nhưng họ vẫn cố xây để có nơi ở tạm. “Tuy nhiên, không giống như trước, giờ họ thường dựng nhà tạm bằng tôn hoặc khung sắt để nếu có bị tháo dỡ cũng không thiệt hại quá nhiều” - một lãnh đạo xã Bình Hưng nói.

Nhà không phép được sinh ra từ dự án treo

Cả ba căn nhà tại ấp 1 và ấp 1A, xã Bình Hưng mới bị tháo dỡ đều nằm trong quy hoạch dự án Khu dân cư Thăng Long. Dự án này đã có quyết định thu hồi đất 12 năm nay nhưng chủ đầu tư mới bồi thường được khoảng 70%.

Một trường hợp xây dựng không phép tại ấp 5B, xã Bình Hưng cũng sắp bị cưỡng chế. Khu vực này nằm trong một dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất từ năm 2002. UBND xã Bình Hưng cho biết hiện xã có khoảng 90 trường hợp xây dựng không phép. Các trường hợp này chủ yếu nằm trong các dự án đã “treo” rất lâu, có khi tới hàng chục năm. Lãnh đạo xã Bình Hưng thông tin: “Đa phần các trường hợp xây dựng không phép là đất trống xen cài trong khu dân cư. Hiện xã Bình Hưng đã giải quyết xong, chỉ còn lại sáu căn đang trong quá trình xử lý”.

Điểm nóng xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A là ấp 4 và ấp 6A. Lý do là dân số hai ấp này khá đông, riêng ấp 4 đã có 12.000 dân nhưng quy hoạch là đất ở nông thôn rất ít, quy hoạch chủ yếu là đất xây dựng mới. Vì thế, người dân bị cấm chuyển mục đích và xây dựng nhà ở riêng lẻ. Nhu cầu nhà ở ngày càng cao, có đất mà phải để trống bao nhiêu năm thì ai cũng xót. Do đó, họ đành xây nhà lụi và câu chuyện nhà không phép cứ mãi luẩn quẩn chưa có lối ra.

“Nhà không phép thì phải làm sao cho có phép, dễ mà!”

Trong khi đó, các đầu nậu khẳng định với phóng viên để các căn nhà không phép tồn tại thì họ phải “ăn đồng, chia đủ”, kể cả ở tổ, ấp. Người đàn ông tên Thịnh (ở xã Vĩnh Lộc A) xưng là em trai của thầu Tiến cho biết: “Anh tôi xây hàng trăm căn nhà không phép rồi. Khi làm nhà, bọn tôi phải đàm phán. Chính quyền phải cho thì mới dám làm. Nhà tôn phải chung 100 triệu đồng, còn xây luôn thì thêm hơn 100 triệu đồng nữa. Ở đây từ tổ trưởng trở lên là phải lo, rồi cán bộ, cả công an khu vực nữa…” Thầu Tiến cũng tái xác nhận thông tin trên khi gặp chúng tôi. Ông Tiến dắt chúng tôi đến một số ngôi nhà do ông xây để chứng minh cho điều vừa nói. “Tôi “ra tay” là an tâm. Làm nhà tôn thì có giá 180 triệu đồng, trong đó tiền lo lót là 100 triệu đồng. Số tiền đấy phải chi cho nhiều người, mỗi người khoảng 5 triệu đồng”.

Tại xã Vĩnh Lộc B, chúng tôi được ông Nguyễn Duy Lân hứa sẽ lo trọn gói từ đất (nông nghiệp, giấy tay) đến nhà không phép với giá 350 triệu đồng. Sau đó, chúng tôi còn gặp một người đàn ông được ông Lân giới thiệu là ông Nguyễn Thanh Tú, ấp phó ấp 5. Khi chúng tôi bày tỏ lo lắng mua đất giấy tay, xây nhà không phép sẽ bị đập, ông Tú trấn an: “Em liên hệ với anh Lân vì anh ấy chuyên về cái đó. Nhà không phép thì sẽ bị đập nhưng phải làm sao để cho có phép. Cái đó dễ mà!”.

Khi chúng tôi cung cấp những thông tin trên, ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B, nhấn mạnh: “Những người mua đất rồi nhờ “cò” xây nhà không phép thì đó là chuyện của họ, tôi không nắm được hết. Tuy nhiên, cán bộ nào vi phạm tôi sẽ xử lý ngay. Năm 2014, một cán bộ địa chính của xã đã bị xử lý hình sự vì nhận tiền để người dân xây dựng không phép. Một cán bộ địa chính khác không kiểm tra kịp thời cũng bị phê bình, một trưởng ấp cũng bị xử lý”.

Về sự hứa hẹn của ông ấp phó ấp 5, ông Hiền cho biết chưa nghe chuyện này. “Ông Tú phụ trách ấp đội (quản lý lực lượng quân sự ở dưới ấp, tham mưu công tác quân sự, xét duyệt đội ngũ thanh niên đi nghĩa vụ quân sự - NV) nhưng nếu phát hiện xây dựng không phép thì phải báo. Ông Tú không phải cán bộ của xã, không có trách nhiệm, quyền hạn gì trong đất đai xây dựng. Do là dân địa phương nên có thể ông Tú nắm thông tin về một số khu đất rồi cung cấp cho “cò”, cho người mua. Đó là chuyện cá nhân của ông Tú nhưng nếu làm sai thì ông ấy phải chịu trách nhiệm” - ông Hiền nhấn mạnh.

Theo Pháp luật TPHCM

Viết bình luận

Agribank đồng hành doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024

Agribank đồng hành doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024

Tài chính 14:58

Agribank triển khai chương trình Đồng hành doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với quy mô 20.000 tỉ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm

Shadow Entertainment - Bệ phóng cho võ sĩ Việt

Shadow Entertainment - Bệ phóng cho võ sĩ Việt

Nhịp sống 14:58

Trong những năm gần đây, võ thuật Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Nhiều võ sĩ Việt được ghi danh vào những giải đấu lớn hay có những tấm vé tham dự Olympic danh giá, thể thao chuyên nghiệp cũng đang ngày càng nở rộ.

SAWACO: Nhiều phương án bảo đảm an toàn cấp nước mùa khô

SAWACO: Nhiều phương án bảo đảm an toàn cấp nước mùa khô

Doanh nghiệp 14:57

Theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI), có đến một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước và cuộc khủng hoảng nước sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu

Sự lạ ở DatVietVAC

Sự lạ ở DatVietVAC

Nhịp sống 14:57

Thầm lặng thúc đẩy ngành văn hóa sáng tạo trong 3 thập kỷ, DatVietVAC thiết lập nên những cột mốc ấn tượng, khiến nhiều khán giả không khỏi bất ngờ: 158 tỉ lượt xem trên các nền tảng chỉ trong năm 2023, hợp tác với 95% nghệ sĩ và người nổi tiếng hàng đầu Việt Nam…

VINAMA JSC: Tầm nhìn chiến lược và khát vọng đổi mới

VINAMA JSC: Tầm nhìn chiến lược và khát vọng đổi mới

Doanh nghiệp 14:56

Với dân số gần 100 triệu người, cùng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và thu nhập bình quân đầu người gia tăng, Việt Nam được đánh giá là thị trường quảng cáo ngoài trời (OOH) tiềm năng bậc nhất khu vực Đông Nam Á

Bắc Trà My - vùng cao sơn ngọc quế

Bắc Trà My - vùng cao sơn ngọc quế

Tiêu dùng 14:56

Trà My - vùng đất huyền thoại, được mệnh danh "cao sơn ngọc quế" - gắn liền với bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Kinh, Ca Dong, Co, M'Nông, Xơ Đăng

Dự án Phú Xuân City Huế - Tinh hoa giữa lòng cố đô

Dự án Phú Xuân City Huế - Tinh hoa giữa lòng cố đô

Bất động sản 14:55

Phú Xuân City Huế là dự án do Công ty CP Đầu tư bất động sản Phú Xuân làm chủ đầu tư, nằm ở khu quy hoạch LK7, BT1, OTM1 và OTM2 thuộc khu A - đô thị mới An Vân Dương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sở hữu vị trí vàng hiếm có