Hãy tìm ra thứ đang khiến bạn sợ hãi và đối mặt với nó
Có rất nhiều lý do khiến bạn sợ hãi khi ngồi trên máy bay, ví dụ như nhiễu động, tai nạn, khủng bố, cất cánh, hạ cánh… Ngay từ bây giờ, hãy nghĩ về những điều khiến bạn sợ và nghiên cứu các thông tin về chúng để bác bỏ suy nghĩ cố hữu trước giờ bạn vẫn giữ.
Nhiễu động không khí là nguyên nhân khiến hầu hết mọi người ngồi trên máy bay cảm thấy bất an. Điều này không đồng nghĩa với việc máy bay đang gặp vấn đề hoặc sắp rơi, mà chỉ là bạn đang đi qua vùng có sự thay đổi luồng không khí. Nhiễu động là điều hoàn toàn bình thường và tự nhiên - giống như va chạm với ổ gà trên đường khi bạn đang lái xe.
Trên thực tế, nếu hỏi các phi công về việc họ có sợ máy bay rơi khi bay qua vùng nhiễu động không khí không, câu trả lời sẽ là họ lo lắng về việc hành khách cảm thấy khó chịu nhiều hơn. Cùng lắm thì chỉ có cốc và dĩa rơi xuống.
Nếu vẫn chưa tin, bạn có thể tự mình tìm hiểu trên Google về khái niệm nhiễu động không khí.
Ảnh: Airline Staff Rates
Đối với các sự cố khác khiến bạn nghĩ rằng máy bay sẽ rơi, hãy hiểu rằng tỉ lệ gặp tai nạn khi lái xe cao hơn nhiều so với đi máy bay. Đó là sự thật.
Theo thống kê của báo The New York Times, bạn sẽ phải bay hàng ngày và bay đến 123.000 lần trên một chiếc máy bay thương mại thì mới có rủi ro gặp phải tai nạn. Đây là tỉ lệ cực kỳ hiếm.
Vì sao máy bay lại hiếm gặp tai nạn hơn so với lái xe? Một trong những lý do là máy bay thương mại được các chuyên gia điều khiển – ít nhất là hai người.
Các phi công dành rất nhiều thời gian ở trường học lái nhưng không phải vì lái máy bay rất khó, mà là để họ học cách xử lý tất cả những tình huống có thể xảy ra khi bay.
Đối diện với nỗi sợ bay
Có một khái niệm được các nhà tâm lý học nhắc đến, đó là "tiếp xúc dần dần". Nói cách khác, hãy học cách đối diện với nỗi sợ hãi từng chút một.
Ví dụ, nếu nỗi sợ hãi ập đến ngay từ lúc bạn bước chân vào sân bay, hãy bắt đầu bằng cách dạo chơi thường xuyên hơn ở các sân bay để làm quen với môi trường.
Dành thời gian để xem máy bay cất và hạ cánh. Từ từ, tâm trí bạn sẽ dịu lại khi nghĩ đến việc bay.
Tiếp theo, hãy bắt đầu "tiếp xúc liên tục", tức là bay thường xuyên hơn để vượt qua nỗi ám ảnh. Mỗi chuyến bay sẽ giúp rèn luyện không chỉ ý thức mà còn cả cơ thể bạn để làm quen với chuyến bay.
Phân tán suy nghĩ
Ảnh: AviationCV.
Hãy nghĩ về những điều khiến bạn hạnh phúc. Bản năng của con người cho phép họ làm được điều này. Hãy làm những điều giúp bản thân quên đi nỗi sợ hãi, ví dụ như xem phim, đọc sách, nghe nhạc, chơi game… Bất cứ thứ gì khiến bạn bận rộn.
Ngoài ra, hãy nghĩ về đích đến, đừng nghĩ về hành trình. Điều gì đang chờ đợi bạn khi bạn bước xuống sân bay?
Bạn cũng có thể trò chuyện với người ngồi cạnh trên máy bay, đặc biệt nếu đó là bạn bè. Một trong những điều báo động cho bạn biết về những thay đổi trong chuyến bay là âm thanh. Vì vậy, hãy giúp mình phân tán suy nghĩ thay vì cố gắng tập trung lắng nghe xem điều gì đang xảy ra với chiếc máy bay.
Tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài
Nếu mọi cách trên đều không thành công, bạn có thể làm một trong hai điều sau:
Trò chuyện với phi hành đoàn. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp và lời khuyên từ họ. Các tiếp viên được huấn luyện để trấn an khách trong mọi tình huống.
Vì vậy, nếu vẫn còn lo lắng, đừng ngại yêu cầu được trò chuyện với một tiếp viên vì chắc chắn họ sẽ giúp bạn thoải mái hơn.
Tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ. Bạn có thể yêu cầu kê một loại thuốc phù hợp để sử dụng trong chuyến bay, ví dụ như thuốc ngủ, trà thảo dược…
Tuy nhiên, đây là cách cuối cùng bạn nên tìm đến vì thuốc không phải là phương thức giải quyết an toàn và rốt ráo. Hơn nữa, thuốc có thể gây tác dụng phụ khiến bạn ngầy ngật, mệt mỏi.
Trong chuyến bay, tránh uống cà phê và rượu vì hai loại thức uống này có thể gây căng thẳng và lo lắng. Thay vào đó, hãy uống nước lọc hoặc nước trái cây.
Rượu có thể giúp bạn giải tỏa được trong thời gian ngắn nhưng có thể khiến bạn say máy bay nặng hơn.
Khi áp suất giảm do máy bay càng lên cao, nồng độ một cốc rượu có thể tăng lên gấp đôi gây choáng váng và thậm chí là say rượu nếu bạn không quen uống.