Hầu hết quốc gia trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đều có tham vọng phát triển lĩnh vực công nghệ song Việt Nam dường như là nơi hội tụ đủ điều kiện tốt nhất để trở thành “Thung lũng Silicon” của khu vực.
Giới trẻ đầy tiềm năng
Đó là nhận định của trang Asian Correspondent trong bài viết gần đây. Theo bài báo, các ưu điểm của Việt Nam là chính sách giáo dục phù hợp, sự hỗ trợ của Chính phủ và môi trường kinh doanh sôi động.
Việt Nam có tiếng là quốc gia mạnh về toán và khoa học. Bằng chứng là vào năm 2012, ngay từ lần đầu tham gia Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), các học sinh tuổi 15 của Việt Nam đã xếp hạng 8 về khoa học và hạng 17 về toán học. Kết quả ấn tượng lặp lại vào kỳ thi năm 2015 của PISA - với hạng 8 khoa học và hạng 22 toán học, Việt Nam vượt qua cả các nước tiên tiến như Mỹ, Úc và Anh.
Thành tích của học sinh Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học, kỹ thuật và toán học còn thu hút nhiều công ty công nghệ quốc tế. Sau chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4 năm ngoái, kỹ sư phần mềm kỳ cựu của Google (thuộc Tập đoàn Alphabet - Mỹ) - ông Neil Fraser - cho hãng tin Reuters hay: “Việt Nam là nước có học sinh, sinh viên thành thạo kỹ năng máy tính nhất mà tôi từng gặp. Những vấn đề mà các em xử lý có độ khó không thua gì câu hỏi tuyển dụng của Google”.
Theo đánh giá của Asian Correspondent, lực lượng lao động Việt Nam rành công nghệ, chi phí nhân công lại rẻ và năng suất lao động cao hơn một số nước thuộc AEC. Việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) cũng giúp Việt Nam có thêm điểm cộng trong mắt giới đầu tư so với các nước láng giềng.
Thu hút các “ông lớn”
Ước mơ trở thành trung tâm công nghệ và sáng tạo của Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các chính sách của chính phủ. Điển hình là Dự án Thung lũng Silicon, một dự án tham vọng do Bộ Khoa học và Công nghệ khởi động nhằm thu hút các doanh nghiệp, giới chuyên gia cùng vốn đầu tư.
Có thể nói Việt Nam đã bước đầu lọt vào mắt xanh các đại gia công nghệ. Cũng tới Việt Nam vào năm ngoái, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, đánh giá Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của hãng này. Một trong những cam kết của Google là sớm đào tạo 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Trong cùng tháng 3-2016, hai tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ) và Standard Chartered PLC (Anh) đầu tư thêm 28 triệu USD vào dịch vụ ví điện tử MoMo, còn quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups (Mỹ) công bố thành lập một quỹ 10 triệu USD tập trung cho Việt Nam. “Ban đầu chúng tôi định đầu tư khoảng 10-20 công ty trong vòng 1-2 tháng thôi. Tuy nhiên, chúng tôi nhanh chóng nhận ra ở Việt Nam có nhiều công ty tốt để đầu tư” - ông Eddie Thai, đối tác của 500 Startups, nói với Reuters. Một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang được 500 Startups hỗ trợ là Beeketing - công ty cung cấp các giải pháp marketing tự động do chàng trai trẻ 26 tuổi Trương Mạnh Quân thành lập vào năm 2014. Riêng năm 2016, doanh thu của Beeketing ước đạt 2 triệu USD, chủ yếu đến từ các khách hàng Mỹ.
Sự bùng nổ các doanh nghiệp khởi nghiệp càng chứng tỏ dấu ấn của Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu. Ba năm kể từ khi Công ty DOTGEARS của Nguyễn Hà Đông tung ra Flappy Bird - trò chơi trên điện thoại thông minh nổi tiếng, Việt Nam ngày càng được “chọn mặt gửi vàng”. Người khổng lồ Samsung (Hàn Quốc) quyết định đặt trung tâm sản xuất linh kiện tại Việt Nam trong khi các công ty điện tử khác như LG (Hàn Quốc), Panasonic, Toshiba (Nhật Bản)... vốn đã có nhà máy ở Việt Nam từ hàng chục năm trước - đồng loạt mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, theo Reuters.