Trong 2 ngày 17 và 18-11, tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) đã diễn ra Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ IV năm 2016 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano”. Tham dự có ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, đại diện các ban, ngành, hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học trong nước và các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Tiếp cận công nghệ
Công nghệ nano là một trong những công nghệ tiên tiến, có phạm vi ứng dụng và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nhiều lĩnh vực y học, điện tử, thực phẩm, vũ trụ...
Tại hội nghị, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã có nhiều bài tham luận cũng như thảo luận làm rõ vai trò công nghệ nano trong phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ cao. PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban SHTP, cho rằng hội nghị lần này sẽ đem lại một góc nhìn toàn diện về xu hướng nghiên cứu, phát triển của công nghệ nano trên thế giới và cơ hội phát triển công nghệ nano tại Việt Nam, cụ thể trong các lĩnh vực: nano trong điện tử và thiết bị; nano tổng hợp và các ứng dụng; công nghệ nano trong sinh học... Mục tiêu của hội nghị thường niên là tạo sự kết nối giữa các chuyên gia khoa học và công nghệ, doanh nghiệp (DN) và các nhà đầu tư; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm lĩnh vực công nghệ cao cũng như phát triển chuỗi cung ứng nội địa” - ông Quốc nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ kỳ vọng hội nghị mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để TP HCM tiếp cận công nghệ, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ nano rộng rãi, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường... Theo ông Phong, từ hội nghị, cần đề ra những giải pháp khả thi, có khả năng ứng dụng nhanh công nghệ nano vào thực tiễn để tính toán, hoạch định những chủ trương phát triển về công nghệ cao cho TP trong những năm sắp tới.
Ông Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch UBND TP HCM, tham quan các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano tại Khu Công nghệ cao TP HCM Ảnh: Mạnh Linh
Những thành quả ban đầu
Xác định tầm quan trọng của công nghệ nano, thời gian qua, TP HCM đã đầu tư phát triển các sản phẩm từ công nghệ nano như pin mặt trời, dầu diesel sinh học, vi mạch bán dẫn, tế bào gốc, dược liệu... Trong khi đó, SHTP cũng đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các viện, trường đại học trong và ngoài nước. Bước đầu đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào đời sống.
Điển hình năm 2013, SHTP hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐHQG TP HCM để nghiên cứu và chế tạo chip cảm biến áp suất. Một số DN trong SHTP chuyển giao và ứng dụng công nghệ nano thành công, như Công ty Quang lượng tử Việt Mỹ (UVP) hợp tác với Đại học Illinois (Mỹ) chế tạo một loạt sản phẩm bán dẫn cao cấp (Diode Schottky, Fred), xuất khẩu trên 3.000 wafer trong năm 2014...
Trong lĩnh vực nano, trong 2 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai (R&D) thuộc SHTP nghiên cứu thành công 3 sản phẩm vật liệu nano, gồm nano vàng kim tự tháp, nano bạc và nano curcumin. Các nghiên cứu này đã được chuyển giao công nghệ cho các DN khởi nghiệp đang đầu tư trong SHTP như: Công ty Viotek, Công ty MEMSitech. Đáng chú ý là bước đầu R&D đã nộp tiền bản quyền từ các đề tài nghiên cứu vào ngân sách nhà nước, với 120 triệu đồng/năm (sản phẩm nano curcumin) và 180 triệu đồng/năm (nano vàng kim tự tháp).
Ký kết hợp tác nghiên cứu, đào tạo
Trong khuôn khổ hội nghị, SHTP đã ký kết hợp tác với ĐH DAEGU (Hàn Quốc) về lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, Trung tâm Ươm tạo DN thuộc SHTP ký kết hợp tác với Công ty Tư vấn Hebronstar (Hàn Quốc) về cung cấp nguồn nhân lực và phát triển DN khởi nghiệp.