Với hơn 600 triệu người tiêu dùng cùng 6 thị trường trọng điểm - Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines - Đông Nam Á là miếng bánh thơm mà nhiều công ty lớn muốn giành lấy.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo một báo cáo do Google đưa ra vào năm ngoái, Đông Nam Á dự kiến có 480 triệu người sử dụng internet vào năm 2020, tạo thành khu vực đầy tiềm năm phát triển công nghệ bên cạnh Ấn Độ. Không chỉ vậy, Google còn dự báo "nền kinh tế internet" của khu vực (tức là mọi doanh nghiệp đều hoạt động trên web) sẽ đạt giá trị 200 tỉ USD vào năm 2025, trong đó chỉ riêng thương mại điện tử có thể tăng từ 5,5 tỉ USD trong năm 2015 lên 88 tỉ USD vào năm 2025.
Tỏ ra nhanh nhạy trong việc chen chân vào Đông Nam Á là các công ty Trung Quốc, qua đó cũng cho thấy mức độ ganh đua dữ dội giữa họ. Kể từ cuối năm 2015, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc không ngừng tăng cường rót vốn vào Đông Nam Á, với tổng giá trị ít nhất là 3,27 tỉ USD, theo số liệu của công ty nghiên cứu CB Insights (Mỹ). Năm vừa qua đặc biệt sôi động khi Tập đoàn Alibaba liên tiếp đầu tư 1 tỉ USD vào công ty thương mại điện tử Lazada vào tháng 4-2016 rồi thêm 1 tỉ USD nữa vào tháng 6 năm nay, tổng cộng tới nay họ đã nắm giữ 83% cổ phần của Lazada. Trong khi đó, một đại gia khác của Trung Quốc là Tencent vừa tiếp tục đầu tư vào Sanook và chi 19 triệu USD cho Ookbee (cả 2 đều là công ty truyền thông của Thái Lan) vừa đầu tư cho công ty công nghệ giáo dục ABC360 của Philippines.
Trang TechCrunch cho hay Tencent và Alibaba đã thương thảo với ít nhất 12 doanh nghiệp khởi nghiệp Đông Nam Á trong lĩnh vực thương mại điện tử hoặc công nghệ tài chính (fintech). Cuộc chiến còn lan tới lĩnh vực gọi xe giá rẻ. Mới đây, Alibaba cùng một số nhà đầu tư đã góp số vốn 2,5 tỉ USD - kỷ lục gây quỹ ở Đông Nam Á - cho Grab trong khi Tencent chi 100 triệu USD cho Go-Jek, đối thủ của cả Grab và Uber.
Một kho hàng của Amazon tại Singapore Ảnh: MEDIA CORP
Âu - Mỹ vào cuộc
Vấn đề ở đây là Alibaba và Tencent dường như "không đội trời chung", khiến các công ty muốn nhận đầu tư phải chọn đứng về một phía. Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc mà nhiều công ty lớn khác trên thế giới cũng để mắt đến Đông Nam Á. Việc Alibaba gấp rút đầu tư vào Lazada, theo Tạp chí Nikkei, một phần là để chuẩn bị cho việc Amazon - hãng thương mại điện tử khổng lồ của Mỹ - "hạ cánh" xuống Đông Nam Á. Hôm 27-7, Amazon chính thức khởi động Prime Now - dịch vụ giao hàng trong vòng 2 giờ - tại Singapore.
Theo ông Michael Smith, đối tác điều hành của quỹ đầu tư SeedPlus (Singapore), đảo quốc này đang đóng vai trò là trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á. "Chúng tôi tin rằng Singapore sẽ tiếp tục thu hút các công ty không chỉ của Trung Quốc mà còn của châu Âu và Mỹ" - ông Smith đánh giá trên trang TechCrunch.
Trong số các tập đoàn công nghệ Mỹ mở rộng hiện diện ở Đông Nam Á không thể thiếu hai cái tên Google và Facebook. Những công ty này mở văn phòng ở nhiều nước và tập trung địa phương hóa sản phẩm cũng như hoạt động tiếp thị, kinh doanh của mình hơn là bỏ vốn đầu tư cho các công ty bản địa. Google đã mua một ứng dụng trò chuyện để bổ sung nhân sự cho nhóm "Next Billion" của mình, từ đó điều chỉnh các dịch vụ hiện có và phát triển dịch vụ mới dành riêng cho các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Phi. Trong khi đó, Facebook và Twitter nghiên cứu rất kỹ thị trường để biết thêm về cách sử dụng internet ở các thị trường tiềm năng. Facebook thậm chí còn thử nghiệm tính năng thanh toán xã hội để thăm dò về thương mại trên mạng xã hội.