Thiết bị đeo thông minh (smartband) có nguồn gốc từ Trung Quốc có giá bán rất rẻ
Bên cạnh đồng hồ thông minh (smartwatch), thiết bị đeo thông minh (smartband) dần trở thành phụ kiện được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, các sản phẩm của Samsung, Sony, Microsoft… thường có giá cao, trên 2 triệu đồng, khiến không ít người lưỡng lự. Họ bắt đầu tìm đến những mẫu rẻ hơn của Trung Quốc với giá chỉ từ 200.000 đồng cho đến 1 triệu đồng nhưng tính năng được quảng cáo là không thua kém "hàng hiệu".
Khác với đồng hồ thông minh, smartband có thiết kế nhỏ nhắn, được chia thành hai loại: có màn hình và không có màn hình. Hầu hết chúng đều có điểm chung là kết nối smartphone thông qua Bluetooth, tích hợp tính năng thông báo, theo dõi sức khỏe... Một số mẫu còn được trang bị thẻ sim để thực hiện cuộc gọi, tin nhắn, theo dõi trẻ em, người cao tuổi…
Với các mẫu có màn hình cảm ứng, người dùng có thể thao tác trực tiếp trên đó nhưng do độ phân giải thấp nên chất lượng hiển thị không cao. Màn hình này sẽ thông báo ngày giờ, tin nhắn, cuộc gọi, e-mail, hay có thể đo bước chạy bộ, lượng calo tiêu hao khi hoạt động thể thao … Người dùng có thể điều chỉnh trực tiếp ngay trên màn hình hoặc ứng dụng cài trên smartphone.
Trong khi đó, các mẫu không có màn hình sẽ được cài đặt thông qua ứng dụng đi kèm, còn nhiệm vụ của thiết bị chỉ là rung hoặc báo đèn. Một số được trang bị tính năng tương tự các mẫu có màn hình, ngoại trừ việc hiển thị.
Xiaomi đang là cái tên hot trên thị trường thiết bị đeo không màn hình. Theo một nhân viên cửa hàng phụ kiện Xiaomi tại Quận 11, TP HCM, vòng đeo của hãng này chiếm lĩnh nhờ yếu tố hoàn thiện về thiết kế, nhiều tính năng không thua các mẫu cao cấp. Ví dụ, mẫu MiBand Pulse (1s) mới ra mắt và giá chỉ từ 450.000 đồng nhưng hỗ trợ nhiều chức năng tiện dụng vốn chỉ có trên các mẫu tiền triệu như cảm biến đo nhịp tim, tự động theo dõi và kiểm soát giấc ngủ, đếm bước chân… Trước đó, mẫu MiBand (ra mắt tháng 7/2015) giá từ 300.000 đồng cũng "làm mưa làm gió' không chỉ tại Việt Nam mà còn ở một số thị trường khác.
Một chiếc vòng đeo tay Xiaomi Miband.
Trong khi đó, phân khúc smartband có màn hình có nhiều thương hiệu khá lạ góp mặt như Vidonn, Zeaplus, UKOEO, iWOWN, thậm chí cả các mẫu không thương hiệu, chỉ đánh mã số TW64, MI601… Một chủ cửa hàng trên đường Cách mạng tháng 8 (Quận 3, TP HCM) cho biết hàng nhập về chủ yếu từ đường tiểu ngạch. Số lượng người mua không cao do e ngại hàng Trung Quốc thương hiệu lạ, chất lượng kém… Ở một số nơi, người mua phải đặt hàng trước vài giờ, hoặc vài ngày.
Các mẫu smartband giá rẻ cũng được rao bán trên các trang thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Tiki… với giá chỉ từ 250.000 đồng. So với các cửa hàng bán trực tiếp, gian hàng trên mạng đa mẫu mã, chủng loại… hơn.
Một số người dùng cho biết, sở hữu một chiếc smartband giá rẻ không phải là ý tưởng tồi. "Thiết bị đeo thông minh đang là xu thế hiện nay, nhưng sản phẩm từ Samsung, Fibit… còn rất đắt, không phù hợp với túi tiền sinh viên, nên tôi chọn thiết bị giá rẻ từ Trung Quốc và thường xuyên thay đổi nó. Các tính năng theo dõi sức khỏe, thông báo giờ, cuộc gọi… khiến tôi thích thú, chúng không đến nỗi quá tệ như tôi nghĩ", Giang Nam, sinh viên Đại học Mở TP HCM, cho biết.
"Cách đây ít lâu, tôi nhận được một cuộc gọi trên đường. Khi vừa đưa điện thoại lên nghe thì bị cướp. Sau đó, tôi đã hỏi bạn bè và tìm cho mình chiếc vòng đeo tay có tên I5 Plus chưa tới 600.000 đồng nhưng có thể thông báo cuộc gọi, tin nhắn, từ đó có thể xem ai đang liên lạc với mình để đưa ra hướng xử lý phù hợp. Ngoài ra, thiết bị còn thay đổi thói quen tập thể dục của tôi, tất nhiên là theo hướng có lợi", Thúy Hằng, nhân viên ngân hàng ở Quận Phú Nhuận, chia sẻ.
"Tính năng theo dõi nhịp tim và kiểm soát giấc ngủ trên Miband Pulse khá hay. Tôi đã áp dụng chế độ kiểm soát giấc ngủ cho mình và cảm thấy ngủ ngon hơn, khỏe khoắn hơn khi thức dậy. Riêng việc đo nhịp tim trên máy cũng ở mức khá, không chênh lệch nhiều khi so với chiếc Gear S2 Sport mà tôi mượn của một người bạn", Duy Phong, một kỹ sư xây dựng, cho biết.
Tuy nhiên, chất lượng của smartband Trung Quốc không ổn định. Theo Giang Nam, người mua nên xem xét kỹ để tránh gặp phải hàng chất lượng kém như kết nối sóng yếu, chập chờn, các tính năng không thể sử dụng, dây đeo cứng, gây xước, bong tay hoặc thậm chí gây dị ứng.
Ngoài ra, chỉ một số ít các mẫu smartband này có khả năng chống nước, do đó dễ bị thấm chất lỏng, dẫn đến hư hại khi đi ngoài trời mưa, rửa tay... Tuy vậy, người dùng đôi khi phải chấp nhận điều này. "Các thiết bị đeo giá rẻ làm tôi thỏa mãn tính tò mò, thích trải nghiệm và tính năng đáng với giá bán, nhưng nếu có tiền, tôi sẽ đầu tư cho một sản phẩm uy tín, chất lượng hơn để dùng lâu dài bởi tiền nào của đó thôi", Nam nói.