Đây là chia sẻ của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000 km cao tốc trong năm nay, gần đây, TPBank đã ký ngay hợp đồng tín dụng 2.400 tỉ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong tuần này.
Trong năm 2024, TPBank đã tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao là 20,25%. Đáng chú ý, TPBank đã giảm lãi suất cho vay với khoảng 1.900 tỉ đồng cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỉ đồng để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Kiến nghị cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, ông Đỗ Minh Phú tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra hoàn toàn khả thi.
![Chủ tịch TPBank muốn góp phần đầu tư phát triển dự án đường cao tốc- Ảnh 1. Chủ tịch TPBank muốn góp phần đầu tư phát triển dự án đường cao tốc- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/11/ong-do-minh-phu-17392645814551953777.jpg)
Cơ sở nào để ngành ngân hàng có thể hoàn thành mục đích mục tiêu trong năm 2025? Tăng trưởng tín dụng như mục tiêu NHNN đặt ra là 16%. Quy mô tín dụng toàn ngành kinh tế 15,5 triệu tỉ đồng trong năm 2024, tăng 2,1 triệu tỉ đồng so với năm 2023. Vậy nếu như năm 2025 tăng tín dụng 16%, sẽ có 2,5 triệu tỉ đồng nữa và như vậy là tổng dư nợ trong toàn ngành khoảng 18 triệu tỉ đồng. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, đặt trên vai của các ngân hàng. Tuy nhiên nhìn vào thực tế có những cơ sở để đánh giá rằng nó có thể hoàn thành được, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP với ít nhất 8%.
"Năm 2024, GDP đã tăng trưởng hơn 7% và đặc biệt là 3 trụ cột xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng khả quan. Nếu nền kinh tế không phát triển được, dù có bất cứ những nỗ lực nào kể cả lãi suất cho vay rất thấp, các doanh nghiệp, người dân cũng không chắc chắn sử dụng nguồn vốn ngân hàng. Đồng thời, có sự quyết tâm của ngành ngân hàng. Trong hai năm vừa rồi, đặc biệt là năm 2023-2024, NHNN đã áp dụng cơ chế cấp hạng mức tín dụng cho các ngân hàng và các ngân hàng tự tính toán được dư địa, hạn mức tín dụng của mình rồi cho vay. Đây là điều vô cùng quan trọng và TPBank đã có ngay được kế hoạch từ đầu năm" - ông Đỗ Minh Phú nói.
Tại hội nghị, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú đã chia sẻ về các lĩnh vực cấp tín dụng của ngân hàng như cho vay các dự án BOT, cho vay nhà ở xã hội (NOXH), tính dụng xanh…
Năm 2025, TPBank đặt ra một số mục tiêu. Cụ thể, TPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên khi tham gia vào cho vay NOXH. Đầu tiên TPBank đã cam kết sẽ tham gia 5 ngàn tỉ đồng và đang giải ngân.
Mục tiêu khác là TPBank tham gia vào tín dụng xanh trong bối cảnh yêu cầu của các tổ chức quốc tế và đặc biệt mục tiêu phát triển bền vững như Chính phủ đề ra. Đến cuối năm 2024, TPBank đã giải ngân và cấp tín dụng các dự án trong lĩnh vực này với dư nợ khoảng 7.378 tỉ đồng.
![Chủ tịch TPBank muốn góp phần đầu tư phát triển dự án đường cao tốc- Ảnh 2. Chủ tịch TPBank muốn góp phần đầu tư phát triển dự án đường cao tốc- Ảnh 2.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/11/wag7861-173926458129276135365.jpg)
"Một vấn đề nữa là việc cấp tín dụng cho các dự án BOT để xây dựng hạ tầng. Đây là vấn đề không dễ dàng. Bởi việc cho vay trong thời gian khá dài, việc thu hồi nợ chủ yếu dựa trên dòng tiền, tiền quyết định chính là dòng xe. Chúng tôi tham gia dự án BOT ngay từ phần đầu tiên như Cao Lâm - Vĩnh Hảo, sau này là dự án Hữu Nghị - Chi Lăng... Đối với dự án của Hữu Nghị - Chi Lăng, ngay từ đầu chúng tôi đã phê duyệt với phương án vốn nhà nước là 49,3%, còn lại là vốn nhà đầu tư và vốn huy động. Nhưng nếu như được đồng ý nâng vốn công lên 70% thì chắc chắn là nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn và ngân hàng cũng thấy rằng việc đồng hành đảm bảo hơn trong việc thu hồi vốn" - ông Đỗ Minh Phú chia sẻ.
TPBank được tham gia vào dự án BOT là một lĩnh vực khá khó nhưng với tinh thần quyết tâm để nền kinh tế có thể giải quyết được 3 đột phá và trong đó có đột phá quan trọng về hạ tầng. Khi cấp tín dụng, các ngân hàng phải sử dụng vốn tín dụng khá lớn cho các dự án BOT. TPBank kiến nghị NHNN sẽ xem xét đối với ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT thì có thể cho phép được sử dụng vốn, không tính vào hạn mức tín dụng để có sự hỗ trợ cho ngân hàng.
Liên quan đến nội dung các dự án hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết đang có 11 dự án BOT giao thông gặp khó khăn cần xử lý, trong đó 7 dự án đã cơ bản giải quyết dứt điểm. Để giải quyết các khó khăn này cũng như triển khai các dự án BOT mới, cần sự chung sức, đồng lòng, chia sẻ giữa các bên liên quan. Tới đây, ngành giao thông rất cần sự đồng hành của ngân hàng với tổng mức đầu tư cho 5 loại hình giao thông cần khoảng 6,27 triệu tỉ đồng từ nay tới năm 2035.