Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, những năm qua, bảo hiểm y tế (BHYT) tại nước ta có sự phát triển bền vững. Cụ thể, năm 2008, cả nước mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỉ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số. Đến năm 2009, năm đầu tiên triển khai Ngày BHYT Việt Nam (1-7), cả nước có hơn 50 triệu người tham gia BHYT (tăng hơn 10 triệu người so với năm 2008), tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 58,2% dân số.
Tiến tới BHYT toàn dân
Đến hết năm 2023, cả nước có hơn 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số. Kết quả nêu trên có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông ngành BHXH Việt Nam. Số lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh (KCB) tăng nhanh qua từng năm, trong 15 năm đã có hơn 2.120 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền hơn 993.000 tỉ đồng. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT. Đồng thời, BHYT cũng có những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng Quỹ BHYT.
BHXH Việt Nam đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phối hợp KCB BHYT. BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai sử dụng đa nền tảng khi đi KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD), ứng dụng VssID - BHXH số và ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Đến nay, tất cả cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD. Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chip trong KCB BHYT; qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB BHYT, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia…
Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT
Năm 2024, Ngày BHYT Việt Nam lần thứ 15, với chủ đề truyền thông "Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi người bệnh và nâng cao chất lượng KCB BHYT tại y tế cơ sở", Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết Quỹ BHYT là một quỹ ngắn hạn, huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn quỹ này đóng vai trò quan trọng trong sự bền vững của chính sách. Điều này cần được đặc biệt quan tâm hơn khi quyền lợi, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được mở rộng, nâng cao. Quản lý hiệu quả Quỹ BHYT sẽ được đánh giá dựa trên bảo đảm được cả ba mục tiêu: Quyền lợi của người tham gia BHYT; khả năng chi trả của Quỹ BHYT và vấn đề quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ y tế tương xứng với giá dịch vụ y tế.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện đúng các quy định của Luật BHYT, nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ BHYT. Kinh phí được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT; bảo đảm phục vụ kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, phù hợp với đặc thù tổ chức quản lý, hoạt động của ngành. Việc kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm tối ưu sử dụng Quỹ BHYT, hạn chế các chi phí bất hợp lý, lãng phí. Từ đó, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ thiết thực, phục vụ người bệnh nặng và mãn tính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân, điều kiện quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, gắn với việc bảo đảm an toàn và sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.