Ngày 15-7, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố tờ trình xin ý kiến về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021.
Theo VPBank, hiện một vài chỉ số về an toàn vốn và an toàn hoạt động của ngân hàng được tính dựa trên vốn điều lệ. Do đó, một vài chỉ số của ngân hàng này đang ở mức giới hạn cao, nên chưa tận dụng được tối ưu các cơ hội mới, phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của VPBank.
HĐQT VPBank cho biết việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng; cải thiện chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động khác; cải thiện tỉ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán; tỉ lệ cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…
VPBank muốn xin ý kiến chia cổ tức với tỉ lệ tới 80%
Hiện luỹ kế đến 31-12-2020, nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển đạt khoảng 19.511 tỉ đồng; nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ khoảng 800 tỉ đồng… có thể dùng cho mục đích tăng vốn điều lệ, qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, HĐQT VPBank đề xuất sẽ phát hành thêm hơn 1,97 tỉ cổ phần, để tăng vốn điều lệ từ 25.299 tỉ đồng lên mức 45.057 tỉ đồng trong năm nay, tương đương tổng mức chia cổ phiếu (gồm cổ tức và cổ phiếu thưởng) cho cổ đông hiện hữu tại thời điểm chốt danh sách khoảng 80%.
Trong đó, tỉ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỉ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay.
Nếu phương án này được thông qua, VPBank sẽ vượt qua các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, Agribank, BIDV và vào nhóm những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng vừa chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ hơn 29% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo phương án đã được phê duyệt. Nguồn vốn để Vietinbank chia cổ tức tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.
Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho VietinBank tăng vốn điều lệ từ hơn 37.234 tỉ đồng lên 48.058 tỉ đồng theo phương án phát hành gần 1,1 tỉ cổ phiếu trả cổ tức với tỉ lệ hơn 29%. Như vậy, Vietinbank hiện là ngân hàng thương mại có vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống ngân hàng.