Nền kinh tế thứ hai thế giới đã giảm mua khoảng 300-500 tấn vàng so với năm ngoái, trị giá 15-25 tỉ USD, theo nguồn tin giấu tên. Việc này được thực thi giữa lúc cuộc đối đầu thương mại leo thang với Mỹ đã kéo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc xuống mức chậm nhất trong gần 3 thập kỷ và đẩy giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Vàng thỏi được bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 6-8. Ảnh: Reuters
Theo số liệu Hải quan của Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới là nhà nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, mua khoảng 1.500 tấn với giá khoảng 60 tỉ USD vào năm ngoái, tương đương với 1/3 tổng nguồn cung vàng của thế giới.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với vàng trang sức, vàng thỏi, tiền xu vàng đã tăng gấp 3 trong hai thập kỷ qua khi nước này giàu lên nhanh chóng. Theo dữ liệu chính thức, trữ lượng vàng của Trung Quốc tăng gấp 5 lần, đạt gần 2.000 tấn.
Số liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu 575 tấn vàng trong nửa đầu năm 2019, giảm từ mức 883 tấn trong cùng kỳ năm 2018.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã nhập khẩu 71 tấn vàng, giảm từ mức 157 tấn vào tháng 5-2018. Vào tháng 6, mức giảm thậm chí còn mạnh hơn chỉ với 57 tấn, thấp hơn nhiều so với 199 tấn hồi tháng 6 năm ngoái
Phần lớn vàng Trung Quốc được nhập khẩu từ Thụy Sĩ, Úc, Nam Phi và thường được thanh toán bằng USD. Giao dịch này được thực hiện bởi các ngân hàng nội địa và quốc tế đã được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cấp hạn ngạch mỗi tháng.
Nhưng hạn ngạch đã bị giới hạn hoặc không được cấp trong vài tháng gần đây, thông tin được tiết lộ bởi 7 nguồn tin trong ngành công nghiệp vàng thỏi ở London, Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc.
Bắc Kinh đã từng hạn chế hạn ngạch nhập khẩu vàng trước đây. Lần gần nhất là vào năm 2016 sau khi đồng nhân dân tệ suy yếu mạnh. Tuy nhiên, việc giảm nhập khẩu vàng như nửa đầu năm nay là chưa từng có tiền lệ.
Với dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới trị giá 3.100 tỉ USD, Trung Quốc đủ khả năng để bảo vệ tỉ giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, giới ngân hàng cho rằng hạn chế nhập khẩu vàng là cách dễ dàng để ngăn dòng chảy ngoại tệ mà không ảnh hưởng đến đời sống người dân.