Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM thẳng thắn thừa nhận: Việc làm giá cổ phiếu dường như chưa bao giờ hết và có lẽ cũng sẽ không bao giờ chấm dứt trên sàn chứng khoán. Nói cách khác việc này sẽ luôn luôn tồn tại trên thị trường.
Thao túng giá luôn tồn tại trên sàn chứng khoán .Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Bớt nghe theo "lơ xe"
Nói đến các hoạt động làm giá cổ phiếu hiện nay, một số môi giới chứng khoán đều cho rằng hầu hết chưa xứng tầm được gọi là "đội lái". Nhưng đội ngũ hô hào, lan tỏa thông tin để đu bám theo khá nhiều và đó là những "lơ xe" cần thiết để cho "cá mập" thực hiện thành công các thương vụ hốt bạc trên sàn. Thậm chí có nhiều môi giới bất chấp chuyện thua lỗ của khách hàng nên vẫn luôn cố tình hô hào lôi kéo mua vào hay bán ra để kiếm phí.
Chị Tuyết Nga, một nhà đầu tư tại TP HCM, kể thường xuyên được môi giới rỉ tai: có đội lái đang đánh lên cổ phiếu này, hối chị mua vào, ngay cả khi cổ phiếu đó đang trong diện cảnh báo vì hoạt động của doanh nghiệp bị thua lỗ. Hay là: "Doanh nghiệp đó chuẩn bị công bố lợi nhuận bất thường, đây là tin nội bộ rò rỉ ra em biết trước được. Khi thông tin đưa ra giá cổ phiếu chắc sẽ lên đó chị"… Thời gian đầu khi nghe nói chị Nga cũng hào hứng tham gia nhưng lời không bao nhiêu mà hồi hộp, đau tim thì nhiều, lỗ là chủ yếu.
"Môi giới nghe mình phàn nàn lời ít, lỗ nhiều thì đổ thừa tại mình mua chậm bán chậm nên đã hết sóng. Sau vài lần lỗ nhiều hơn thắng nên mình nản và chỉ nghe tham khảo. Nếu muốn mua cổ phiếu nào cũng phải xem xét thêm nhiều yếu tố khác", chị Nga chia sẻ.
Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cảnh báo: Các chiêu trò, cách thức của "cá mập" thao túng giá ngày càng tinh vi hơn. Thậm chí, nhiều nhân viên môi giới cũng không thể phát hiện ra ngay được nên đôi khi vô tình tiếp tay cho "đội lái". Vì vậy bản thân các nhà đầu tư cần tỉnh táo và tham khảo nhiều nguồn thông tin, có sự phân tích về hoạt động của doanh nghiệp trước khi muốn mua hay bán. Hơn nữa, khi môi giới phát hiện ra "sóng" diễn ra ở nhóm ngành hay cổ phiếu nào và muốn đu theo thì sóng này đã sắp hết. Việc mua vào hay bán ra đều "trễ chuyến đò" và khả năng cháy tài khoản rất cao. Đặc biệt nhiều khách hàng quá tự tin khi nghĩ mình có thể thoát hàng kịp nên càng dễ "chết chìm".
"Để tránh rủi ro, nhà đầu tư cá nhân nên học hỏi kinh nghiệm của những người lâu năm trên sàn. Thậm chí nên đi học một số kiến thức cơ bản về phân tích doanh nghiệp, phân tích tài chính… trước khi đầu tư chứng khoán. Bởi đôi khi sau khi tiền mất hết mới rút ra được kinh nghiệm thì không có cơ hội tham gia đầu tư để gỡ lại vốn", chuyên gia Phan Dũng Khánh nói.
Nhà đầu tư cá nhân nên tránh đu bám dễ bị "sóng" đè Đ.N.Thạch |
Phạt nhẹ, lờn thuốc
Trong khi nhà đầu tư chứng khoán dễ dàng bị lọt bẫy làm giá thì quy định xử phạt về tội này vẫn còn khá nhẹ. Hàng loạt vụ xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố gần đây về tội thao túng cổ phiếu đã đụng "nóc" về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với mức phạt 550 triệu đồng/người. Nếu có tiền lời từ việc làm giá đó sẽ bị tịch thu nhưng đa số lại xác định "không có số tiền trục lợi".
Cho đến nay, xét về các án phạt nặng mới chỉ có duy nhất trường hợp bà Đỗ Thị Cẩm Thúy ở Hà Nội bị phạt 600 triệu đồng và buộc phải nộp lại 9 tỉ đồng số tiền trục lợi sau khi làm giá cổ phiếu SPI của Công ty cổ phần đá Spilit. Đối với án hình sự, cũng mới chỉ có một vài đối tượng bị khởi tố gần đây.
Hơn nữa, những vụ nâng giá, đạp giá trên sàn chứng khoán chỉ được cơ quan quản lý nhà nước ra tay xử phạt sau 2-3 năm thực hiện. Khi đó nhiều nhà đầu tư vì bị thua lỗ đã phải rời bỏ sàn chứng khoán.
Theo chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, vấn nạn thao túng giá đang gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Tung tin đồn, bán chui, cho "đội lái" đẩy giá cổ phiếu rồi "úp sọt" nhà đầu tư, mỗi phi vụ như vậy, các đối tượng làm giá có thể thu về hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Chính vì vậy, ông Long cho rằng họ cũng không có gì phải lăn tăn, lo ngại khi bỏ ra vài chục, vài trăm triệu đồng để nộp phạt.
"Với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán theo tôi cần phải xử phạt thật nặng, tịch thu hết số tiền mà họ kiếm lợi được từ việc làm phi pháp. Những trường hợp gây thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sự minh bạch, niềm tin của thị trường cần phải khởi tố bị can, khởi tố vụ án. Có như vậy mới đủ sức răn đe và họ mới không nhờn luật", ông Long kiến nghị.