Các biến động kinh tế thế giới đang gây nên những áp lực đáng kể lên nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay dự kiến đạt 5%, thấp hơn mục tiêu 6,5% của chính phủ.
Tuy nhiên, ông Lottner nhận định tình hình đang dần được cải thiện và tin tưởng vào triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2024. Techcombank sẽ tập trung đón đầu các xu thế dài hạn có lợi trên thị trường.
Hướng tới phục vụ tiêu dùng nội địa
Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, trong đó có Techcombank khi kết quả kinh doanh sụt giảm. Tính đến ngày 30 tháng 9, mặc dù vẫn là NHTMCP có lợi nhuận cao thứ hai trong toàn hệ thống, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Techcombank lần đầu ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ sau nhiều năm tăng trưởng cao. Ngân hàng ghi nhận LNTT đạt 17,1 ngàn tỉ đồng (tương đương 944,2 triệu đô la Singapore), giảm 17,8%.
Tổng thu nhập hoạt động giảm 6,8% trong cùng kỳ, xuống 29 ngàn tỉ đồng. Riêng thu nhập lãi thuần giảm 14,4%, xuống 20,1 ngàn tỉ đồng.
Lợi nhuận lũy kế 9 tháng năm 2023
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Techcombank có những điểm sáng nhờ tập trung khai thác phân khúc khách hàng trung lưu đang tăng nhanh và phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 16,1% lên 9 ngàn tỉ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 8% trong 9 tháng đầu năm nhờ tăng trưởng phí thẻ tín dụng khi khối lượng giao dịch từ các hoạt động tiêu dùng và trả góp tiếp tục ở mức cao, cũng như từ các hoạt động L/C, thanh toán và tiền mặt, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp.
Cấu phần thu nhập hoạt động dịch vụ
Ông Lottner cũng nhận thấy tiềm năng trong việc phục vụ tệp khách hàng trẻ, hiểu biết về công nghệ thông qua các quan hệ đối tác và chương trình tri ân khách hàng.
Từ năm 2021, Techcombank hợp tác với người khổng lồ ngành bán lẻ - Masan nhằm cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt và các chương trình ưu đãi tại chuỗi cửa hàng tiện lợi Winmart. Cụ thể, với hóa đơn đầu tiên, khách hàng là thành viên Win đăng ký mở mới tài khoản Techcombank sẽ được chiết khấu 50% (tối đa 100.000 đồng) khi thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Một số thành tựu từ Winlife
Nhờ đầu tư vào số hóa, tệp khách hàng của Techcombank được mở rộng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng có thêm 2,2 triệu khách hàng mới, trong đó 44,4% được thu hút qua kênh số và 42,9% được thu hút thông qua hệ sinh thái của các đối tác.
Số lượng khách hàng mới theo kênh thu hút (lũy kế)
Trong quý III, khối lượng giao dịch của khách hàng cá nhân thực hiện qua kênh Ngân hàng điện tử cũng tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 50% lên 577,6 triệu giao dịch. Lũy kế 9 tháng năm 2023, con số này tăng ấn tượng 37,5% N/N lên 1,5 tỉ giao dịch, chiếm gần 94% tổng số giao dịch của khách hàng cá nhân.
Khối lượng giao dịch KH cá nhân qua kênh điện tử
"Hiện tại, Techcombank có năng lực mở mới tài khoản khách hàng chỉ trong vài phút thông qua các kênh số. Nhờ vậy, chi phí phục vụ khách hàng được tối ưu từ 10 tới 20 điểm phần trăm", ông Lottner cho biết.
Mở rộng danh mục doanh nghiệp vừa và nhỏ
Về mặt cho vay, năm nay Techcombank tập trung mở rộng danh mục khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chiến lược lớn hơn mà Ngân hàng này theo đuổi là chuyển dịch danh mục tín dụng từ khách hàng doanh nghiệp lớn sang khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Techcombank đặc biệt chú trọng vào tài trợ các doanh nghiệp SME phục vụ tiêu dùng nội địa, chẳng hạn như nông sản, thay vì các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiên về xuất nhập khẩu như sản xuất.
Ông cũng chia sẻ thêm: "Có lẽ hướng đi của chúng tôi hơi khác so với kỳ vọng thông thường…Chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực gắn liền với hoặc được thúc đẩy bởi tăng trưởng tiêu dùng nội địa".
Techcombank đang xây dựng cơ chế và chính sách chia cổ tức
Lãnh đạo Techcombank cho hay: "10 năm trước, chúng tôi quyết định không trả cổ tức để giữ lại nguồn vốn phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến hiện tại, vị thế và năng lực của ngân hàng đã rất khác, lớn mạnh hơn nhiều. Techcombank đang xây dựng cơ chế và chính sách dài hạn liên quan đến chia cổ tức cho cổ đông do Ngân hàng hiện đã có khả năng vừa trả cổ tức, vừa đảm bảo tái đầu tư ổn định kinh doanh, tiếp tục tăng trưởng".
Cũng theo ông, ngân hàng đang cân nhắc các lựa chọn và sẽ trình Hội đồng Quản trị phê duyệt.
Tình hình tăng trưởng tốt cũng như các kết quả kinh doanh tích cực của Techcombank đã thu hút sự chú ý của giới phân tích trong và ngoài nước. Trong báo cáo ngày 14 tháng 8, nhắc lại cuối tháng 10, Maybank liệt kê Techcombank trong top các Ngân hàng nội địa có cổ phiếu đáng đầu tư và đưa ra khuyến nghị "Mua" với mức giá mục tiêu là 48.700 đồng. Giá cổ phiếu của Techcombank cuối phiên giao dịch ngày 24 tháng 11 là 30.050 đồng, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Khối ngoại rất quan tâm đến cổ phiếu Techcombank, tuy nhiên tỉ lệ sở hữu nước ngoài là rào cản lớn. "Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích trữ cổ phiếu thay vì bán ra. Cổ phiếu Techcombank hiện tại rất khó mua".
Tin đồn về việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng làm tăng hứng thú của nhà đầu tư đối với cổ phiếu của ngân hàng này, song ông Lottner nhấn mạnh rằng Techcombank vẫn ưu tiên cách tiếp cận cẩn trọng.
"Chúng tôi hướng tới việc mang lại giá trị lâu dài cho cổ đông. Thay vì chỉ tạo ra những sự kiện gây hứng thú nhất thời, Techcombank đặt mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bền vững", ông Lottner chia sẻ.