Phó Chủ tịch Apple Pay, Jennifer Bailey, ra mắt Apple Card - Ảnh: REUTERS
Hơn 10 năm trước, các đại gia ngành di động choáng váng với chiếc iPhone đầu tiên ra đời mang thương hiệu Apple vì đó là sản phẩm thay đổi hoàn toàn khái niệm về điện thoại di động.
Nói cách khác, Apple đã thiết lập một tiêu chuẩn mới, hoàn toàn khác biệt trong thị trường điện thoại lúc bấy giờ.
Chọn Goldman Sachs, MasterCard làm đối tác
Và trong khi mang xu hướng loại dần các thiết bị phần cứng và tinh giản tới mức tối đa, ví dụ điển hình là xóa xổ ổ đĩa DVD, Apple lại bất ngờ ra mắt một dịch vụ cần thiết bị "cứng" hiếm hoi.
Hôm 26-3, đại gia công nghệ này ra mắt một loạt sản phẩm mới, trong đó có Apple Card .
Lẽ dĩ nhiên Apple không chỉ cho ra đời một loại thẻ tín dụng vốn đầy rẫy trong túi người dùng hiện nay.
Tấm thẻ bạch kim Apple Card, ngoài thiết kế tinh xảo và đẹp nức lòng, còn được tích hợp nhiều tính năng đột phá khác, ít nhất trong mắt những người "chế tác".Để xứng tầm một tấm thẻ đẳng cấp, Apple cũng khéo chọn Goldman Sachs và MasterCard làm đối tác cho sản phẩm mới lần này.
Những gã khổng lồ đã sáp nhập với nhau trong mục tiêu không gì khác hơn là thay đổi khái niệm về thẻ tín dụng.
Apple Pay là ứng dụng cho phép người dùng nhập thông tin tài khoản ngân hàng, và thanh toán mua hàng trực tuyến hoặc tại cửa hàng.
Loại thẻ mới ra đời này vì vậy cũng được áp dụng trên tất cả những khu vực Apple Pay hoạt động. Apple Card tập trung vào bảo mật giao dịch, cũng như giúp người dùng theo dõi chi tiêu trên ứng dụng ví Wallet của iPhone.
Người dùng khi sử dụng thẻ sẽ nhận được chương trình ưu đãi hoàn tiền 2% khi thực hiện thanh toán thẻ với Apple Pay, và 3% khi mua hàng qua Apple Store hay các dịch vụ tương tự.
Phó chủ tịch Apple Pay là bà Jennifer Bailey cho biết Apple và Goldman Sachs sẽ không chia sẻ thông tin của người dùng với các đối tác và nhà quảng cáo của họ. Apple Card cũng không được dùng để thực hiện giao dịch xuyên biên giới định kỳ hay trả phí trễ hạn.
Ngoài ra, hãng công nghệ này cũng không nắm thông tin mua hàng như mua gì, ở đâu, trả bao nhiêu. Tất cả những thông tin này sẽ nằm trong hệ thống của MasterCard.
Tấm thẻ Apple Card vật lý cũng không in mã thẻ, nhằm khuyến khích người sử dụng dùng thẻ trên ứng dụng Apple Pay.
Ứng dụng Apple Pay trên iPhone 6 trong buổi ra mắt tại California, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Cả Apple và Goldman đều đang dần tiếp cận thị trường tín dụng tiêu dùng cạnh tranh khốc liệt. Trong thị trường này, các ngân hàng liên tục tung ra những ưu đãi đắt giá để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu bằng thẻ của họ.
Giới nhà băng thường thu lời từ phí từ các doanh nghiệp trả mỗi lần người tiêu dùng cà thẻ thanh toán. Họ lâu nay vốn vội vã mở rộng hoạt động kinh doanh thẻ của mình và nhận lại nhiều lợi lộc nhờ tỉ lệ nợ xấu thấp.
Apple Card sẽ có lãi suất hàng năm khoảng 13,24%-24,24%. Trong khi đó, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lãi suất trung bình của thẻ tín dụng là 14,73% trong quý IV-2018.
Apple cũng kì vọng loại thẻ mới của họ giúp giải quyết một số vấn đề người tiêu dùng lâu nay gặp phải với việc sao kê thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, cách tiếp cận thông tin liên quan đến lãi suất và hạn trả lãi cũng gây ra nhiều khó khăn với chủ thẻ.
Chiêu trò bán hàng?
Dù không phải là gương mặt mới trong thanh đoán kỹ thuật số, việc dấn thân vào phát hành thẻ tín dụng tiêu dùng vẫn được đánh giá là một bước tiến lớn đối với Apple. Hãng này đã thu bộn kể từ khi trình làng Apple Pay vào năm 2014, với sự hợp tác của American Express và Visa.
Tuy vậy, gần như ngay lập tức truyền thông không bỏ qua cho Apple, Goldman hay MasterCard. Những bài viết mang dấu hiệu hoài nghi đã xuất hiện theo cách nhanh chóng y như khi thông tin về tấm thẻ Apple Card lan tỏa trong công chúng.
"Đó là một thị trường đầy đủ và bão hòa. Câu hỏi đặt ra là, liệu cái gì khiến khách hàng phải tìm cách sở hữu một tấm thẻ mới đây?", Lisa Ellis, đối tác tại công ty phân tích độc lập MoffettNathanson, đồng thời là người đứng đầu bộ phận thanh toán, xử lý và dịch vụ công nghệ thông tin nhận xét hoài nghi.
Thực tế vài năm gần đây các ngân hàng như JP Morgan hay Citi Bank đã lao vào cuộc chiến khuyến mãi cho người dùng dịch vụ này.
Theo Chris Kuiper, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu CFRA Research chuyên về các công ty thẻ tín dụng, Apple đã thông minh khi không cạnh tranh thực sự ở cuộc chiến hậu mãi, nhưng điều này lại chứng minh Apple không thực sự đặc biệt.
Về khoản bảo mật, Apple cũng bị nhận xét không cung cấp điều gì mới mẻ lắm. Và điều quan trọng nhất là họ có đủ sức hút dành cho khách hàng tò mò muốn thử hay không mà thôi.
Nhưng trong bối cảnh phải sở hữu một chiếc iPhone, sử dụng Apple Wallet hay Apple Pay, nhiều khách hàng có thể không quá mặn mà với chiến lược này.
Các chuyên gia trong bài viết phản biện của CNN nhấn mạnh vào mục đích thực sự của Apple đối với Apple Card là tìm cách bán các sản phẩm và thúc đẩy dịch vụ chủ lực của mình như iPhone, Apple Wallet, Apple Pay.
Mà như vậy, nếu nói rằng đây là một cuộc cách mạng thẻ tín dụng thì có lẽ… là không.