Theo đó, trong quý IV/2013, dù doanh thu đạt gấp 8 lần cùng kỳ năm 2012 với 685,8 tỉ đồng, nhưng do giá vốn hàng bán lên tới 691 tỉ đồng, cộng thêm các khoản chi phí khác, Quốc Cường Gia Lai chịu lỗ trên 15,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hoãn lại nên công ty thoát lỗ và có lãi nhẹ gần 1,26 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận ở cùng kỳ năm trước là gần 12 tỉ đồng.
Năm 2013, Quốc Cường Gia Lai bị xử thua kiện trong vụ án chấp về quyền lợi với khách hàng mua nhà.
Tính chung cả năm, doanh thu thuần của công ty đạt 954,6 tỉ đồng, gấp 4,2 lần năm trước. Mặc dù vậy lãi trước thuế vẫn âm 17 tỷ đồng do phải gánh hàng chục tỉ đồng chi phí lãi vay và chi phí quản lý. Tuy nhiên, cũng nhờ khoản chi phí thuế TNDN hoãn lại trên 17,6 tỉ đồng và lợi ích từ cổ đông thiểu số hơn 6,2 tỉ đồng mà Quốc Cường Gia Lai khắc phục được lỗ, đồng thời có được khoản lợi nhuận ít ỏi (6,62 tỉ đồng).
Lợi nhuận đạt được của công ty trong năm 2013 giảm hơn 15% so với năm trước và còn cách khá xa chỉ tiêu 50 tỉ đồng đã được đại hội cổ đông thông qua.
Theo báo cáo quản trị năm 2013 của Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, nắm hơn 60,58 triệu cổ phiếu QCG, chiếm hơn 50% cổ phần công ty. Những người con của bà Loan là ông Nguyễn Quốc Cường (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc QCG) nắm 537.500 cổ phiếu và Nguyễn Ngọc Huyền My nắm 180.584 cổ phiếu. Hai người em của bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Thị Bích Thủy cũng nắm gần 200.000 cổ phiếu ở công ty.
Nhiều đại gia bất động sản lỗ nặng
Không được may mắn như Quốc Cường Gia Lai, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác trên sàn chứng khoán tiếp tục trượt dài trong năm 2013.
Điển hình như Công ty CP đầu tư & kinh doanh nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) lỗ trên 151 tỉ đồng, mức lỗ lớn nhất kể từ khi thành lập (năm 2007), đồng thời cũng là năm thua lỗ thứ hai liên tiếp.
Công ty đầu tư hạ tầng & đô thị dầu khí - Petroland (Mã CK: PTL) vốn nổi tiếng với những vụ kiện tụng với khách hàng về việc chậm giao nhà chung cư cũng báo lỗ trên 135 tỉ đồng trong năm 2013, cao gấp nhiều lần mức mức lỗ 1,33 tỉ đồng ở năm trước.
Tuy nhiên, nắm giữ kỷ lục về kinh doanh lỗ vẫn thuộc về Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (Mã CK: PVX) với trên 2.110 tỉ đồng. Đây là năm làm ăn thua lỗ thứ 3 liên tiếp của PVX kể từ năm 2011. Nguyên nhân lỗ chủ yếu của PVX là do doanh thu thấp hơn giá vốn, cộng thêm chi phí tài chính, chi phí quản lý lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2013, mức lỗ lũy kế của PVX là 3.342 tỉ đồng; nợ ngắn hạn lên tới 12.113 tỉ đồng, vượt xa giá trị tài sản ngắn hạn là 10.875 tỉ đồng. Hiện tại, cổ phiếu PVX đang đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do kinh doanh thua lỗ liên tục.