Xuất hiện ở TP HCM từ hơn 5 năm trở lại đây, món bánh tráng nướng Đà Lạt được rất nhiều khách hàng mê mẩn. Nguyên liệu chế biến ngoài bánh tráng, còn có trứng cút, hành lá, thịt xay, xúc xích, trứng gà, khô bò… tạo thành chiếc bánh đủ màu sắc. Có người gọi cho tên là Pizza Việt Nam. Giá bán mỗi cái dao động từ 5.000-22.000 đồng/tùy loại.
Nhu cầu tăng nên số lượng người bán cũng nhộn nhịp hơn. Vài năm trở lại đây, đường Cao Thắng (quận 3) tập trung hàng chục điểm bán bánh tráng nướng Đà Lạt, cùng các món ăn vặt khác. Nhiều người còn gọi đây là phố bánh tráng nướng của Sài Gòn.
Hằng đêm, từ sau 18 giờ, những hàng quán nơi đây lúc nào cũng đông khách, vào những ngày cuối tuần thường kín chỗ ngồi.
Chị Lê Hồng Tâm, một trong những người bán bánh tráng nướng đầu tiên trên phố này, cho biết: “Những ngày đầu, tôi rất lo ế khách. Lúc đó, nhiều người chưa biết món ăn này nên ngại thử. Nhưng giờ thì khác rồi, mỗi đêm tôi bán khoảng 600 cái. Những ngày cuối tuần có thể lên đến cả ngàn. Với số tiền lời vài triệu đồng mỗi ngày, gia đình tôi đã có cuộc sống tốt hơn với nghề này”.
Mặc dù quán ăn lề đường nhưng người bán đều ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người chế biến luôn đeo bao tay nilon và nướng ngay tại chỗ. Còn những khách hàng mua về nhà, các quán thiết kế sẵn một bao giấy được cắt các lỗ nhỏ để thoát hơi, tránh bánh bị mềm khi mang đi.
Chị Tâm cũng cho biết các nguyên liệu làm bánh tráng nướng đều do chính tay chị chế biến để đảm bảo vệ sinh, còn bánh tráng gạo để nướng thì nhờ người từ Đà Lạt gửi xuống chứ không mua bánh tráng phơi sương ở Tây Ninh như những địa điểm khác. Mỗi đêm, khách hàng rất đông nên chị phải thuê thêm 5 người để phục vụ nhưng những giờ cao điểm từ 19 - 21 giờ vẫn làm không xuể.
Những người không chờ được đành bỏ sang các hàng khác nên không khí mua bán ở các cửa hàng đều sôi động. Lâu dần, nơi đây trở thành điểm ăn, uống thú vị về đêm của người Sài Gòn, còn những người bán có một nguồn thu nhập khá cao.