Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô 7 tháng năm 2019, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay cho một số ngân hàng đạt chuẩn Basel II.
Theo đó, ước tính tín dụng toàn ngành năm nay sẽ tăng thêm khoảng 22.000 tỉ đồng, tương ứng tăng 0,2%-0,3%. Nếu tính cả hạn mức được tăng cho một số ngân hàng khác đạt chuẩn Basel II từ nay đến cuối năm, ước tính tín dụng năm 2019 sẽ tăng thêm tối đa khoảng 40.000 tỉ đồng, tương ứng với tăng 0,5-0,6%.
Các chuyên gia phân tích của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ ở mức khoảng 13-14%.
Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ không tăng quá cao. Ảnh: Linh Anh
Trước đó, trong báo cáo thường niên kinh tế vĩ mô nửa đầu năm 2019, công bố mới đây, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm 2019 sẽ vào khoảng 12%-13%, thấp hơn so với ước tính từ 15%-16% của năm 2018 và cũng thấp hơn mục tiêu 14% đề ra ban đầu.
Theo nhóm phân tích, với kịch bản tăng trưởng GDP thực từ 6,6%-6,8% và lạm phát bình quân từ 3,5-4% như mục tiêu Chính phủ đề ra, tốc độ tăng GDP danh nghĩa trong năm 2019 ước đạt 10-11%, xấp xỉ mức tăng của năm 2018. Tốc độ tăng GDP gần như không thay đổi cho thấy vòng quay tiền tệ năm 2019 cũng sẽ không có nhiều biến động so với năm trước.
Do đó, nếu không có sự thay đổi đáng kể về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán (M2) có thể cũng chỉ sẽ tăng ở mức 12%-13%, xấp xỉ mức tăng năm 2018. Chưa kể, việc suy yếu của kinh tế đối ngoại cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Với kịch bản kinh tế vĩ mô nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kịch bản về tăng trưởng tín dụng thấp hơn năm 2018 như vừa nêu.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,33%, xấp xỉ với mức tăng năm ngoái. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng trong tầm kiểm soát. Dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.