Thống kê sơ bộ cho thấy từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 doanh nghiệp (DN) đăng ký phát hành thêm cổ phiếu và nhiều DN khác cũng chờ đại hội cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn.
Tốt xấu đều phát hành
Mới đây, Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN) đã gây ấn tượng mạnh khi chào bán thành công 20,3 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài với giá 32.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều giá trị sổ sách. PAN không chỉ thu ròng gần 650 tỉ đồng từ đợt phát hành mà còn ghi nhận được hiệu ứng tốt trên thị trường. Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) cũng vừa bán thành công 25,5 triệu cổ phiếu cho 7 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với giá trên 18.000 đồng/cổ phiếu và thu ròng gần 460 tỉ đồng.
Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC) vừa thông báo chào bán hơn 5,27 triệu cổ phiếu với giá 65.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên. Công ty CP Đầu tư Thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) sắp xin ý kiến chào bán trên 18 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 2:1 để đầu tư vốn cho các dự án, cơ cấu nợ vay và bổ sung vốn lưu động…
Đối với những DN có đường làm ăn tốt thì việc phát hành cổ phiếu là nhằm tăng quy mô vốn để hoạt động nhưng cũng có khá nhiều công ty do nợ nần nhiều, thiếu an toàn tài chính nên cũng phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá để cơ cấu lại nợ. Công ty CP Gỗ Trường Thành (TTF) sau khi phát hành thành công gần 20 triệu cổ phiếu với giá vỏn vẹn 5.000 đồng/cổ phiếu vào năm ngoái, cũng đang lên kế hoạch bán 10%- 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu Điện (PTC) đang đi nước cờ cuối cùng khi xin ý kiến cổ đông để phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 5.600 đồng/cổ phiếu nếu không muốn đối mặt với nguy cơ phá sản do dòng tiền thiếu hụt cả trăm tỉ đồng.
Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) dù trong tình trạng thua lỗ hơn 256 tỉ đồng, nợ phải trả gần 230 tỉ đồng nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng gấp đôi từ đầu năm. Công ty vừa xin ý kiến cổ đông phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để cấn nợ, giá phát hành không dưới 10.000 đồng/cổ phiếu…
Tín hiệu tốt
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư của Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS), cho rằng việc DN tranh thủ phát hành cổ phiếu tăng vốn trong điều kiện thị trường khởi sắc là một tín hiệu tốt, không có gì phải lo ngại. Bởi nó cho thấy DN tin tưởng vào sự tăng trưởng của thị trường và nền kinh tế. “Vấn đề nằm ở chỗ chất lượng của DN phát hành tốt hay xấu. Nếu DN tốt, kế hoạch huy động và sử dụng vốn có hiệu quả thì phát hành bao nhiêu cũng hết, còn DN kém cỏi thì rất khó thu hút được nhà đầu tư” - ông Khánh chia sẻ.
TS Đinh Thế Hiển cho rằng từ trước đến nay, nhiều DN trong nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, trong khi chức năng cơ bản của thị trường chứng khoán là nơi thu hút vốn cho nền kinh tế chưa được khai thác triệt để. Do đó, nhà đầu tư không nên quá lo ngại khi thấy DN tính chuyện phát hành thêm mà hãy xem đó là một hoạt động bình thường của thị trường.