Tại Ngân hàng Đông Á, chúng tôi ghi nhận mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng đều chốt ở mức 5,5%/năm, lãi suất của kỳ hạn 6 tháng 6,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 7,1%. Khi được hỏi nếu gửi tiết kiệm 12 tháng nhưng tất toán sau 3 tháng có được hưởng lãi suất 5,5%/năm như kỳ hạn ngắn không, nhân viên tại đây cho biết trong trường hợp đó khách hàng chỉ được nhận lãi suất không kỳ hạn theo quy định là 0,4%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), chúng tôi đề nghị gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 6%/năm song nhân viên ngân hàng này từ chối vì không thể lách trần 5,5% do Ngân hàng Nhà nước quy định. “Nếu khách hàng muốn sinh lời nhiều thì nên gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6-1 2 tháng, lãi suất 7,0%-7,85/năm” - nhân viên của SCB tư vấn.
Còn tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), người gửi tiền được lãnh lãi ngay khi mở số tiết kiệm với lãi suất kỳ hạn từ 1-4 tháng đều ớ mức 5,4%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Ngoại thương (Vietconbank) giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4,3%/năm . Ngân hàng Á Châu(ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng giảm lãi suất kỳ hạn này về mức 4,9%- 5%/năm. Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi ký hạn 1 tháng từ 4,2%/năm xuống 4%/năm. Đây là mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng thấp nhất trên thị trường. Lãi suất tiền gửi của các kỳ hạn trung và dài hạn (6-12 tháng) cũng được các ngân hàng thuộc tốp trên niêm yết khá thấp từ 6,2%-6,8%/năm.
Riêng suất tiền gửi USD, các ngân hàng đồng loạt giảm từ 1%/năm xuống 0,75%/năm đối với kỳ hạn từ 1-12 tháng.
Về cho vay, theo cam kết với Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đang áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6-7%/năm, cho vay trung và dài hạn từ 10%/năm trở xuống và cứ 3 tháng sẽ điều chỉnh lãi suất/lần theo hướng tăng thêm hoặc giảm xuống 0,5% tùy theo diễn biến thị trường.
Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 6%/năm xuống 5,5% nhìn chung không làm cho nhiều người gửi tiền ngạc nhiên bởi từ nhiều tuần trước các ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất ở nhiều kỳ hạn xuống thấp hơn mức trần của Ngân hàng Nhà nước. Không ít người cho biết vẫn giữ tiền trong ngân hàng vì có rút ra cũng chưa biết dùng vào việc gì.