Theo Báo cáo Thịnh vượng 2014 (Wealth Report) vừa công bố, hãng nghiên cứu Knight Frank cho biết tổng tài sản của gần 160.000 người siêu giàu trên thế giới đã lên 20.100 tỷ USD năm ngoái. Đến năm 2023, con số này được dự đoán tăng 28%. Theo định nghĩa của Knight Frank, giới siêu giàu gồm những người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên.
Việt Nam được dự đoán là quốc gia có tốc độ người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới với 166%, lên 293 người. Theo sau là Indonesia với 144% và Bờ Biển Ngà (116%).
Người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng lên gần 300 người trong một thập kỷ tới. Ảnh: Anh Quân
Knight Frank nhận định việc Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần lớn hơn trong nhà băng sẽ giúp phát triển hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại trong công ty niêm yết cũng có thể sẽ được nới rộng. Các động thái này, cùng sự tái cân bằng thành công nền kinh tế từ dựa vào nông nghiệp sang công nghiệp và sản xuất, cũng như kiềm chế lạm phát sẽ giúp củng cố tăng trưởng và tạo cơ hội gia tăng của cải cho người dân.
Tuy nhiên, xét về số lượng, Mỹ vẫn là nước có số người siêu giàu lớn nhất thế giới với gần 40.000. Theo sau là Nhật Bản (hơn 16.000) và Trung Quốc (gần 8.000). Thứ tự này năm 2023 cũng không thay đổi.
Hãng cũng dự đoán số người siêu giàu tại châu Á sẽ vượt Bắc Mỹ năm 2023, với trên 58.000 người. Bên cạnh đó, số tỷ phú khu vực này cũng sẽ vượt châu Âu. Người siêu giàu châu Á được đánh giá là lạc quan nhất về ảnh hưởng của nền kinh tế lên tài sản. Khoảng 84% dự đoán điều kiện kinh tế trong khu vực và trên thế giới sẽ có ảnh hưởng tích cực lên của cải của mình trong 5 năm tới.
Báo cáo của Knight Frank cũng cho rằng các thành phố châu Á sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu mạnh nhất trong 10 năm tới. Việc này cho thấy sự tăng trưởng và cởi mở của rất nhiều nền kinh tế tại đây. Trung Quốc đóng góp nhiều đại diện nhất trong top 10 thành phố, còn Nairobi (Ai Cập) là đại diện phi châu Á duy nhất lọt top 25.
TP HCM đứng đầu danh sách với số người siêu giàu dự đoán tăng gần gấp 3, lên 246 người trong 10 năm tới. Tuy nhiên, Knight Frank cho rằng tốc độ này phải được cân bằng, do cũng như các thành phố tăng trưởng nhanh khác, người siêu giàu TP HCM có xuất phát điểm thấp. Năm ngoái, TP HCM có 90 người siêu giàu trên tổng số 9 triệu dân.
Jakarta (Indonesia) xếp thứ nhì với tốc độ tăng trưởng 148%, theo sau là Ordos (Nội Mông, Trung Quốc). St Petersburg (Nga) là thành phố có vị trí cao nhất của châu Âu, còn đại diện cho Mỹ Latin là Buenos Aires (Argentina).
Tuy nhiên, tính theo số lượng, London (Anh) vẫn là nơi có nhiều người siêu giàu nhất thế giới năm ngoái. Năm 2023, con số này dự đoán tăng lên gần 5.000 người. Singapore và New York (Mỹ) cũng được kỳ vọng vượt Tokyo (Nhật Bản) và Hong Kong (Trung Quốc) để chiếm vị trí thứ 2 và 3 khi đó.