Hàng tỉ cổ phiếu ngân hàng chào sàn
Ngày 28-12, hơn 571 triệu cổ phiếu phổ thông có mã chứng khoán ABB của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) với tổng mệnh giá chứng khoán hơn 5.713 ti đồng, sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM.
Trước đó, ngày 18-12, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận đăng ký giao dịch cho cổ phiếu của ABBANK với mã ABB trên sàn UPCoM. Ngày 17-12, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu và cấp mã chứng khoán ABB cho ABBANK.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này được xác định dựa trên giá trị sổ sách và chỉ số P/B của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng nhóm quy mô.
Đại diện ABBANK chia sẻ, việc đăng ký giao dịch tập trung trên UPCoM được đánh giá là phù hợp với thời điểm hiện tại, vừa đảm bảo tính tuân thủ theo đúng lộ trình yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vừa tạo đà cho kế hoạch niêm yết chính thức sau này.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán quý 3-2020, vốn điều lệ của ABBANK hơn 5.713 tỷ đồng và ngân hàng đang tiếp tục có lộ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ trong những năm tới. Tính đến hết 30-11-2020, lợi nhuận trước thuế của ABBANK đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm, tổng tài sản đạt 92.337 tỷ đồng.
Theo quy định tại Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2-2019, tất cả ngân hàng phải niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức.
ABBANK là cái tên tiếp theo trong làn sóng ngân hàng thương dồn dập lên sàn những tháng cuối năm 2020. Trước đó, hàng loạt các ngân hàng đã lên sàn UPCoM, HOSE hoặc chuyển sàn từ HNX sang HOSE như Nam A Bank, ACB, MSB, VIB, LienVietPostBank, Saigonbank, Bản Việt…
Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, nhận diện thương hiệu và hướng đến mục tiêu nâng tầm hoạt động quan hệ nhà đầu tư; đưa cổ phiếu trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân hàng…
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang hưng phấn, bỏ xa mốc 1.000 điểm, hàng tỉ cổ phiếu ngân hàng lên sàn sẽ góp phần tăng thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư. Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2020, triển vọng 2021 của Công ty chứng khoán VNDirect, cho thấy Top 10 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trong 11 tháng của năm nay đa phần là blue chip, và có đến 5 cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng như CTG, TCB, ACB, STB và MBB, đóng góp tổng 14% thanh khoản toàn thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn
Theo nhiều chuyên gia phân tích, cổ phiếu ngân hàng đang là một trong những nhóm cổ phiếu được các nhà đầu tư yêu thích. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường cũng "nhắm" nhóm cổ phiếu này.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành ngân hàng luôn đi lên qua các năm; hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ngày một minh bạch, hiệu quả hơn. Riêng năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp khó khăn nhưng việc Việt Nam kiểm soát đại dịch tốt đã giúp giảm thiểu một phần ảnh hưởng của dịch đối với nền kinh tế, trong đó lĩnh vực ngân hàng cũng không chịu tác động quá nặng nề. Điều này phản ánh qua chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn ổn định, có tín hiệu tăng trưởng tích cực.
Lãnh đạo một số ngân hàng nhận định, cổ phiếu ngân hàng là một kênh đầu tư tốt, dư địa vẫn còn rất rộng và nhiều cơ hội lớn. Đặc biệt, khi các ngân hàng được đưa lên sàn công khai trong thời gian qua là giúp nhà đầu tư tiếp cận cổ phiếu ngân hàng, giao dịch thuận lợi hơn…
Báo cáo của Công ty tài chính JP Morgan mới công bố đầu tháng 12 cũng khẳng định, cổ phiếu của ngân hàng Việt là lĩnh vực đầu tư được ưa thích trong khu vực châu Á. Và đơn vị này tiếp tục duy trì quan điểm dự báo về tăng trưởng cao với các ngân hàng Việt Nam trong năm tới.
Chẳng hạn, hiện tỷ lệ P/B (Price/Book Value) ngành ngân hàng Việt đang ở mức lớn hơn 1, cho thấy cổ phiếu ngành ngân hàng đang được thị trường đón chờ và quan tâm.
Phân tích cụ thể vào một số ngân hàng đang niêm yết trên sàn UPCoM sẽ thấy, xét trên các ngân hàng có cùng quy mô vốn và tổng tài sản khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ P/B đều đạt từ 1,1 đến 1,5. Chỉ số này thể hiện điều kiện thị trường đang tốt, hiện còn dư địa cho nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng. Với tỉ lệ P/B hiện nay của hệ thống ngân hàng, dự kiến cơ hội cho các nhà đầu tư rất sáng khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.
Như tại ABBANK, nói về việc lên sàn, Tổng giám đốc ABBANK, ông Lê Hải, cho hay tại thời điểm kết thúc quý III-2020, giá trị cổ phiếu ngân hàng trên sàn OTC ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu.
ABBANK chính thức lên UPCoM vào ngày 28/12/2020
Dù còn 1 tháng kinh doanh trước khi về đích năm 2020, ABBANK đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Đại hội cổ đông của ngân hàng đề ra. Đặc biệt, các chỉ số về hiệu quả hoạt động đều được đảm bảo theo đúng định hướng hoạt động "hiệu quả, bền vững" của ngân hàng. Như lợi nhuận trước thuế hàng năm ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn, ổn định, tích cực; chỉ số hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của ABBANK vẫn được giữ ổn định với RoE đạt 18,28%; RoA đạt 1,6%; chỉ số an toàn vốn CAR đạt 10,64%...
Theo ABBANK, ngân hàng này đã chuẩn bị cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán từ vài năm qua, "phải đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước. Lên sàn phản ánh việc ngân hàng công khai minh bạch, phát triển một cách có lộ trình, bài bản. Không phát triển nóng mà phát triển một cách bền vững, hiệu quả" - đại diện ABBANK khẳng định.