Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Long Biên – Hà Nội vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải lần 4. Tính đến cuối tháng 2-2020, tổng khoản nợ này là 33 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc 17 tỉ đồng, số tiền lãi gần 15 tỉ đồng, phí phạt 275,7 triệu đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm: các công trình, máy móc thiết bị, ôtô, nhà phố, cổ phiếu …
Trước đó, vào đầu tháng 4, Sở Giao dịch 2 BIDV là đơn vị chào bán nhiều nhất các khoản nợ xấu liên quan đến dự án nhà ở và đất nền. Cụ thể, Sở Giao dịch 2 BIDV thông báo chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 4.000 tỉ đồng (tính đến ngày 29-3) của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Điểm đáng chú ý là trong khoản nợ, BIBV cho vay khoảng 58%, phần còn lại do 2 NH khác đồng cho vay.
Không lâu sau khi thông báo đấu giá khoản nợ trên, Sở Giao dịch 2 BIDV tiếp tục chào bán khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân gồm nợ gốc và lãi là 512 tỉ đồng.
Một dự án của Công ty Nhà Hưng Ngân, doanh nghiệp đang nợ BIDV tới hơn 500 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng thông báo chào bán hơn 67 tỉ đồng nợ xấu, trong đó nợ gốc 57 tỉ đồng. Đây là số tiền mà Công ty CP Phát triển công nghệ Nông thôn còn nợ MB.
Theo đó, để thu hồi vốn, ngân hàng này tiến hành bán đấu giá toàn bộ số cổ phiếu mà Công ty CP Phát triển công nghệ Nông thôn đã thế chấp.
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng liên tục rao bán các tài sản thế chấp của bên nợ. Gần nhất là ngày 6-4, ngân hàng này rao bán 2 bất động sản tại Tây Ninh với tổng giá trị hơn 1,22 tỉ đồng.
Nhiều ngân hàng cũng nỗ lực bán nợ xấu, phát mãi tài sản, trong đó nhiều tài sản rao bán nhiều lần chưa có người mua.
"Dân trong nghề" cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thu hồi vốn từ các khoản vay hiện hữu đang gặp khó khăn. Từ đó, không ít ngân hàng phải tích cực xử lý nợ xấu, giảm giá bán tài sản để sớm bù đắp nguồn vốn. Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc tìm kiếm được người mua các khoản nợ xấu là không đơn giản.