Liên tiếp tin vui cho mía đường Việt đầu năm 2021
Ngay sau khi hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường trắng vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Không còn rào cản thuế, hàng nhập khẩu từ Thái Lan tràn vào Việt Nam theo đường chính ngạch với tổng lượng đường nhập năm 2020 tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước với giá rẻ bất ngờ nhờ vào các biện pháp trợ giá cho doanh nghiệp từ chính phủ Thái Lan. Bên cạnh đó, còn một lượng lớn đường nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam chưa được kiểm soát cũng được đội lốt đường nhập khẩu để hưởng ưu đãi về thuế.
Bà Thục Đoan-chủ doanh nghiệp thương mại Giải Pháp Việt chuyên phân phối đường nội địa chia sẻ: "Nghề mía đường Việt Nam không còn vị "ngọt" vì thua trên chính sân nhà".
Đường nội địa chịu thiệt hại nặng nề, khó khăn trong 2020
Bước sang năm 2021, ngành mía đường Việt Nam liên tục đón nhiều tin vui. Giá đường trong nước có xu hướng tăng nhờ vào tác động tích cực của chiều tăng giá đường thế giới. Theo đó, giá đường thế giới tăng giá nhiều phiên liên tiếp và thậm chí lên mức cao kỷ lục sau 3,5 năm. Giá đường thô tháng 3-2021 là 16,41 US cent/lb, tiếp tục tăng 3,6% so với tháng trước.
Tại thị trường trong nước, giá mua mía ở miền Nam và miền Trung đã tăng. Mức bình quân 950.000đồng/tấn tại ruộng. Tại miền Bắc bình quân 900.000đồng/tấn. Ngoài ra, ở một số địa phương khác, giá mua mía đã tăng đến mức bình quân 1.100.000 đồng/tấn tại ruộng.
Đặc biệt là quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) của Bộ Công Thương ban hành ngày 9-2-2021. Theo đó, các sản phẩm đường Thái Lan nhập khẩu sẽ áp mức thuế CBPG và CTC lần lượt là 48.88% với đường tinh luyện và 33.88% với đường thô. Thông tin này ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất mía đường, mang lại kỳ vọng tăng trưởng "ngọt ngào" cho ngành mía đường Việt trong năm 2021.
Theo ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco): "Quyết định đánh thuế CBPG đối với đường Thái Lan là thông tin được tất cả các doanh nghiệp mía đường nội địa mong mỏi. Nhiều nhà máy sẽ thoát khỏi bờ vực phá sản do duy trì được dòng tiền vì có thể bán được hàng, không bị tồn kho".
Áp thuế CBPG tạm thời với mía đường Thái Lan đã đủ gỡ khó cho mía đường Việt?
Sau gần một năm với đầy biến động gây thiệt hại đáng kể, việc Việt Nam bắt đầu thực hiện áp dụng Phòng vệ thương mại được các chuyên gia đánh giá là việc làm đúng đắn, kịp thời, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc áp dụng mức thuế cao hơn cho đường tinh luyện sẽ mang về 5 cái lợi: Thứ nhất, giá đường tăng sẽ giúp giá thu mua mía nguyên liệu tăng, nông dân đảm bảo thu nhập và có lãi để tái đầu tư. Thứ hai, doanh nghiệp ngành đường có dư địa phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhân công và bao tiêu được toàn bộ sản phẩm cho nông dân trồng mía. Thứ ba, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đường chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho sức khỏe. Thứ tư, thị trường đường được bình ổn sẽ giúp ổn định chất lượng, giá cả đường nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng đường làm nguyên liệu như bánh kẹo, sữa, nước giải khát,… Và cuối cùng, Nhà nước được tăng thu ngân sách nhờ vào các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các nhà máy đường khi họ ổn định sản xuất và hoạt động hiệu quả.
Nông dân trồng mía kỳ vọng niên vụ 2021 giá mía nguyên liệu tăng
Anh Vũ Văn Hào, một nông dân trồng mía tại tỉnh Sơn La cho biết: "Hiện nay, giá mía nguyên liệu bán cho các nhà máy đường đạt trên 900.000đồng/tấn. Bà con rất phấn khởi và hy vọng mức giá này được duy trì. Mong chính sách mới của nhà nước sớm thúc đẩy giá đường trong nước để nông dân có thể sống được nhờ cây mía".
Tuy nhiên, để ngành mía đường Việt Nam có thể thực sự phục hồi sản xuất và phát triển hơn, theo ông Trần Công Thắng-Viện trưởng Viện chính sách Nông nghiệp cho biết: "Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp CBPG, CTC tạm thời; về thì dài hạn cả nhà nước và các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt những giải pháp chiến lược như: sàng lọc, tái cơ cấu và tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất hoạt động hiệu quả, năng suất; Đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nhằm tối ưu hoá quy mô, đa dạng hoá sản phẩm từ cây mía và phế phụ phẩm".
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường và chính sách, cùng những nỗ lực vươn lên từ các doanh nghiệp và nông dân, ngành mía đường Việt nam được kỳ vọng sẽ từng bước khôi phục sản xuất nội địa trong năm 2021 và mở ra triển vọng tăng cao vị thế cạnh tranh trên bản đồ mía đường quốc tế.