Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định cửa hàng cầm đồ phải duy trì tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự - không vượt quá 20%/năm giá trị khoản vay.
Tuy nhiên, hầu hết cửa hàng cầm đồ hiện nay vẫn "lách luật" bằng cách thu kèm các khoản phí chung với lãi suất cho vay như phí tư vấn, phí bảo quản tài sản, bảo hiểm khoản vay… Điều này khiến chi phí thực tế người dân phải chịu khi đi vay cầm đồ cao hơn rất nhiều còn số 20%/năm mà pháp luật quy định.
Lãi suất tới vài trăm % mỗi năm
Khảo sát trên thị trường cầm đồ truyền thống, mức lãi suất chủ yếu được các cửa hàng tính theo đơn vị VNĐ/triệu/ngày.
Theo đó, các khoản vay tín chấp (bằng giấy tờ tùy thân, giấy tờ sở hữu tài sản trừ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc không yêu cầu) có lãi suất dao động trong khoảng 8.000-9.000 đồng/triệu/ngày. Mức lãi này quy đổi vào khoảng 24-27%/tháng, tương đương 288-324%/năm, gấp 36-48 lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng.
Nếu vay bằng việc cầm cố tài sản như xe máy, ôtô, laptop, máy tính bảng… lãi suất sẽ thấp hơn, phổ biến trong khoảng 5.000-6.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 15-18%/tháng.
Theo lý giải của một số đầu mối cho vay này, lãi suất trên bao gồm cả chi phí quản lý rủi ro từ khoản vay, phí tư vấn, phí bảo quản tài sản... Nguyên nhân do là cơ sở kinh doanh cá nhân, việc quản lý rủi ro với các cửa hàng cầm đồ truyền thống rất khó khăn nên họ buộc phải áp dụng lãi suất cao để bù đắp vào rủi ro các khoản vay.
Cho vay cầm đồ đang nở rộ theo hướng chuyên nghiệp hóa. Ảnh: P.M.
|
Với các chuỗi cầm đồ chuyên nghiệp hiện nay như F88, Vietmoney, Camdonhanh.vn… lãi suất tuyên bố từ các chuỗi này thấp hơn nhiều so với thị trường cầm đồ truyền thống như từ 1,2%/tháng với F88, hay 2%/tháng với Vietmoney…
Tuy nhiên, thực tế đây là lãi suất của khoản vay tính riêng. Ngoài chi phí lãi này, người vay cũng phải chịu thêm các khoản phí, như phí tư vấn, phí bảo quản tài sản, phí quản lý rủi ro, bảo hiểm khoản vay…. Các chi phí này cùng với lãi vay khiến số tiền phải trả hàng tháng của người dân cao hơn nhiều mức tuyên bố của đơn vị.
Tìm hiểu thực tế tại một chuỗi cầm đồ lớn trên thị trường hiện nay, lãi vay thay đổi với từng tài sản cầm cố.
Báo cáo hoạt động mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân của tín dụng ngân hàng hiện nay vào khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm với trung và dài hạn.
Trong khi đó, lãi suất bình quân của các khoản vay tiêu dùng từ các công ty tài chính hiện nay cũng là 36-50%/năm.
Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của FE Credit cho hay 100% dư nợ cho vay của công ty đều là cho vay tiêu dùng cá nhân trong nước với lãi suất bình quân tính tới cuối tháng 6 là 43,6%/năm.
Trong khi đó, báo cáo tài chính quý II của HDBank (công ty mẹ của HD Saison) cho biết lãi suất hàng năm của các khoản vay khách hàng hiện ở mức 0% đến 80,9%/năm. Đây là biên lãi suất chủ yếu nằm ở công ty tài chính HD Saison do công ty này có một số gói cho vay trả góp với lãi suất 0%/năm, trong khi lãi suất cho vay tối đa của các khoản vay ngân hàng hiện nay không thể lên tới 80,9%/năm.