Ngày 15-8, HĐND TP HCM đã có buổi khảo sát các HTX nông nghiệp trên địa bàn để lắng nghe, trao đổi phương hướng xây dựng thành phần kinh tế này theo mô hình tiên tiến.
Tỉ lệ hiệu quả thấp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, TP hiện có 68 HTX nông nghiệp, trong đó 24 HTX hoạt động hiệu quả nhờ sản xuất - kinh doanh phù hợp, được UBND TP HCM chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, 118 lượt HTX nông nghiệp đã được hỗ trợ vốn hơn 61,904 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Trợ vốn xã viên HTX.
Hầu hết HTX nông nghiệp ở TP HCM đang thiếu vốn để hiện đại hóa sản xuất Ảnh: NGỌC ÁNH
Ông Phan Thế Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết UBND TP đang chọn 7 HTX thí điểm mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến tại 5 huyện. Những HTX này phần lớn đã đầu tư cơ sở sản xuất nhưng chưa hoàn chỉnh; chưa chú trọng đến khâu chế biến, đóng gói sản phẩm… Đơn cử, HTX Tân Thông Hội tổ chức tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu nhưng chưa thể chế biến sữa tươi thành phẩm; HTX Tiên Phong tổ chức chăn nuôi heo nhưng chưa thể chế biến các sản phẩm từ thịt heo…" - ông Nghĩa nêu thực trạng.
Bà Nguyễn Thị Thị Kim Dung, Giám đốc HTX Hiệp Thành, than phiền UBND huyện Nhà Bè đã đồng ý cho HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức. Mặt khác, vùng nuôi tôm của HTX đang vướng quy hoạch khu đô thị Hiệp Phước nên không thể xác định diện tích, thời hạn nuôi trồng, đáp ứng theo yêu cầu chứng nhận thương hiệu VietGAP. "Ngoài ra, do vùng nuôi trồng vướng quy hoạch nên các thành viên của HTX không dám đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường" - bà Dung nói.
Khó tiếp cận vốn ngân hàng
Đại diện HTX Mai Hoa cho rằng đầu ra sản phẩm đã có hệ thống siêu thị của Vincom bao tiêu nhưng cái khó mà HTX gặp phải là chưa có đất để xây xưởng sơ chế theo yêu cầu của đơn vị thu mua sản phẩm. UBND xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn đã đồng ý cho HTX thuê 4.000 m2 đất nhưng đến nay còn phải chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định giá thuê đất.
Đại diện một số HTX khác cũng cho hay quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường; thậm chí có HTX muốn thuê vài hecta đất nhưng thiếu vốn để đầu tư sản xuất theo mô hình hiện đại, từ đó nhân rộng, thu hút thêm xã viên. "Cái khó là chúng tôi không tìm được vốn đầu tư, bởi không ít HTX được giao đất nhưng chưa có sổ đỏ, từ đó không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng" - một đại diện HTX nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhận định ngoài tài sản thế chấp, HTX chỉ vay được vốn từ ngân hàng khi có hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Do đó, để có vốn đầu tư, HTX cần trở thành thành viên của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để đón nhận nguồn vốn từ những doanh nghiệp này. Chẳng hạn, Saigon Co.op luôn dành ra 5% lợi nhuận để tài trợ vốn cho các đơn vị thành viên đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất.
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc NN-PTNT TP, cho rằng TP có chính sách hỗ trợ 30% vốn đầu tư với điều kiện HTX nông nghiệp phải thể hiện được đề án sản xuất của mình theo quy trình hiện đại. Theo ông Hổ, để giải quyết các khó khăn cho các HTX, UBND TP cần sớm có hướng dẫn quy trình thủ tục để các HTX nhận được kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt khác, TP cần tập trung hỗ trợ phát triển HTX xây dựng mô hình hiện đại, ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp về đất đai, nhà xưởng, tín dụng…
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị Sở NN-PTNT TP tiếp tục hỗ trợ cơ chế, chính sách, tiêu thụ sản phẩm… cho các HTX nông nghiệp để xã viên an tâm sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cùng ngày, HĐND TP HCM cũng có buổi khảo sát các HTX vận tải trên địa bàn. Đại diện một số HTX vận tải nhìn nhận tính cạnh tranh của các HTX vận tải hành khách không cao vì mô hình này chỉ thích hợp với kinh doanh vận chuyển hành khách theo hợp đồng.