Tâm lý sính ngoại, cho rằng hàng xách tay luôn tốt hơn hàng sản xuất trong nước đã kích thích nguồn hàng này về ngày càng nhiều.
Tại TP HCM, các mặt hàng được giới thiệu do có người nhà làm trong hãng hàng không, do nhân viên hàng không, tiếp viên xách về từ Nhật, Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc... được bán khắp nơi dù giá cao chót vót và không phải qua kiểm soát chất lượng.
Bán công khai
Siêu thị mini Bibomart ở đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) là nơi thu hút khá nhiều người mua sắm. Ngay dưới tầng trệt siêu thị, một quầy dài bày các loại sữa, thực phẩm bổ sung dành cho trẻ em với các thương hiệu ngoại.
Hàng được bày kín các kệ tủ kính cao ngất. Một nhân viên tại đây cho biết đa số là hàng xách tay.
Ngay đầu kệ hàng này là một số loại sữa của Nhật Bản, trong đó chủ yếu là sữa bột Meiji số 0 và sữa bột Meiji số 9. Đây là loại sữa chỉ tiêu thụ ở nội địa Nhật Bản.
Theo nhân viên bán hàng, sữa này là hàng xách tay. Sữa Meiji chính ngạch về Việt Nam chỉ có Meiji Gold. Vì sản xuất để tiêu dùng nội địa nên trên hộp sữa chỉ ghi các thông tin toàn bộ bằng tiếng Nhật.
Bibomart không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt để hướng dẫn người tiêu dùng và cung cấp thông tin về nhà sản xuất theo như quy định.
Thay vào đó, siêu thị này dùng bút mực viết hạn sử dụng lên đáy hộp sữa. Nhân viên siêu thị này cho biết vì Meiji nội địa Nhật được nhiều người tiêu dùng chuộng nên hàng về rất thường xuyên.
Cũng tại Bibomart, sữa xách tay còn có Similac Advance Organic loại 658g của Mỹ, sữa Similac Expert Care dành cho trẻ sinh non...
Một siêu thị chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng cho mẹ và bé khác là Tuticare. Có mặt tại Tuticare chi nhánh TP HCM ở Q.Tân Bình, nhân viên siêu thị giới thiệu một loại sirô trị ho cho trẻ em nguồn gốc Nhật Bản, giá bán 210.000 đồng/chai.
Trên vỏ hộp, mặc dù siêu thị có dán nhãn phụ bằng tiếng Việt để hướng dẫn sử dụng nhưng lại không có bất kỳ thông tin nào về nhà nhập khẩu. Khi hỏi, nhân viên bán hàng cho biết loại sirô trị ho này là hàng xách tay.
“Chị cứ yên tâm sử dụng vì là hàng Nhật, chất lượng đảm bảo và đã có rất nhiều người mua về sử dụng mà chưa có bất kỳ vấn đề gì xảy ra” - chị nhân viên bán hàng khẳng định.
Ngoài sirô, một số mặt hàng sữa bột tại đây cũng được nhân viên giới thiệu là hàng xách tay.
Trên website bán hàng của Tuticare (tuticare.com.vn), sữa Meiji số 9 xách tay từ Nhật về niêm yết giá 480.000 đồng/kg, một loại thực phẩm chức năng Omega 3-6-9 được giới thiệu cũng là hàng xách tay, nguồn gốc từ Mỹ về bán giá 620.000 đồng/hộp 180 viên.
Thậm chí, siêu thị này còn có cả kem đánh răng cũng là hàng xách tay từ Mỹ với giá 115.000-200.000 đồng/hộp tùy nhãn hàng.
Hàng xách tay không chỉ tràn lan ở nhóm hàng dành cho trẻ em mà các mặt hàng bán cho người lớn sử dụng cũng khá thịnh hành.
Trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP HCM, một cửa hàng khá nhỏ được nhiều người biết đến vì tại đây chuyên bán hàng mỹ phẩm được giới thiệu nguồn hàng do tiếp viên hàng không xách về.
Chị Hoàng, ngụ Q.12, TP HCM, cho biết trước đây khi còn ở đường Nguyễn Thị Huỳnh, Q.Phú Nhuận, chị là khách hàng thường xuyên của cửa hàng này.
Sữa tắm, dầu gội đầu, sữa rửa mặt mua tại đây đều là hàng xuất xứ Hàn Quốc.
“Ngay cả kem đánh răng tôi cũng mua ở cửa hàng này. Họ giới thiệu hàng xách tay Mỹ, bán giá hơn 100.000 đồng/tuýp. Tuy nhiên sau khi ra siêu thị, tôi thấy có loại cũng y chang, không khác bất kỳ chi tiết nào từ trong ra ngoài mà giá bán chỉ hơn 30.000 đồng/tuýp” - chị Hoàng nói.
Hầu hết không hóa đơn
Khảo sát ở thị trường TP HCM cho thấy hàng loạt cửa hàng mỹ phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần (Q.3), Lê Văn Sỹ, Trần Huy Liệu, Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) đang bán hàng xách tay.
Có những cửa hàng chuyên kinh doanh hàng xách tay với nguồn gốc chủ yếu từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, hoặc có nơi vừa bán cả hàng sản xuất trong nước và hàng xách tay.
Chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo xách tay về từ Mỹ ở Q.3, TP HCM cho biết do có người nhà tại Mỹ đi mua hàng rồi gửi về VN nên cũng chỉ biết nhận hàng về bán.
Hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, cũng không hề đóng các khoản thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng...
“Nếu quản lý thị trường bắt giữ thì cũng đành chấp nhận bị liệt kê vào nhóm hàng lậu. Hàng mua lẻ ở nước ngoài, mất thêm phí chuyển về VN, nếu đóng thêm thuế nữa thì giá sẽ quá cao, không có khách mua” - chủ cửa hàng này nói.
Tuy nhiên theo tìm hiểu, hiện nay hàng xách tay bán ở các cửa hàng theo kiểu kinh doanh truyền thống không nhộn nhịp bằng kinh doanh qua mạng.
Các “shop” bán hàng xách tay trên Facebook, trên các diễn đàn như webtretho.com.vn, lamchame.com.vn hoặc mở website riêng, giới thiệu qua các trang web rao vặt... ngày càng nhộn nhịp.
Chị Thu Hà - chuyên kinh doanh hàng xách tay, bán hàng qua mạng Facebook - cho biết vì hàng xách tay không có hóa đơn chứng từ nên cách tốt nhất là bán hàng qua mạng. Khách xem mẫu, đọc giới thiệu về sản phẩm, ưng thì đặt mua. Nhân viên của “shop” sẽ giao hàng.
Một cán bộ lãnh đạo Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết có thực trạng tiếp viên hàng không xách hàng hóa về theo hành lý cá nhân nhằm mục đích kinh doanh.
Tuy nhiên, vị cán bộ này khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào hàng xách tay vì tiếp viên hàng không không thể “xách” được nhiều tới mức các cửa hàng bán hàng xách tay tràn lan như hiện nay. Có thể nhiều trong số đó là hàng trong nước được gắn mác xách tay, thậm chí có thể là hàng giả.
Phát hiện buôn bán sẽ bị tịch thu
Ngày 28-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Hoàn Kiếm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM - khẳng định việc doanh nghiệp bán các sản phẩm ngoại nhập đều phải đảm bảo đầy đủ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ cũng như tem nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt. “Xách tay hay không chỉ là cách gọi mà thôi. Họ trưng bảng hiệu để thu hút khách hàng là chuyện của họ, còn chúng tôi vẫn thực hiện kiểm tra, xử phạt nếu có vi phạm theo đúng quy định pháp luật” - ông Kiếm khẳng định.
Theo ông Kiếm, đơn vị sẽ tiến hành rà soát các điểm kinh doanh mang mác “xách tay” trong thời gian tới. Một cán bộ quản lý thị trường TP.HCM cho biết nếu muốn buôn bán hàng xách tay, sản phẩm phải được chuyển đổi mục đích và đóng thuế theo quy định. Nếu không thực hiện, khi bị phát hiện sản phẩm đang được kinh doanh sẽ bị cơ quan chức năng tịch thu.
“Người tiêu dùng cần xem sản phẩm xách tay như bất cứ sản phẩm tiêu dùng khác với việc đòi hỏi đơn vị kinh doanh cung cấp đầy đủ các thông tin sản phẩm. Không nên vì chữ “xách tay” mà tin tưởng tuyệt đối” - cán bộ này cho hay.
LÊ SƠN
Phố hàng xách tay ở Hà Nội
Phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) được nhiều người dùng hàng ngoại biết đến là “thiên đường” mua sắm hàng xách tay. Đi dọc con phố này chỉ có một vài cửa hàng treo biển hàng xách tay, nhưng trong ngõ 158 thì có đến chục cửa hàng bày bán hàng ngoại. Hàng có đủ loại từ sữa bột, hoa quả tươi, bánh kẹo, rượu, mỹ phẩm, quần áo, đồ lót, giày dép, thực phẩm chức năng... Tuy nhiên, trên bao bì các sản phẩm hàng mỹ phẩm, ngay cả bánh kẹo, xúc xích, thực phẩm chức năng đều không có hạn sử dụng, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Chị Hương - chủ cửa hàng trên phố Bà Triệu (Hà Đông), chuyên lấy hàng xách tay ở phố Nguyễn Sơn đã chục năm nay - cho biết Nguyễn Sơn là thủ phủ, đầu mối hàng xách tay ở Hà Nội từ nhiều năm nay. Từ Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh... đều nhập hàng ở phố này. Ở Mỹ, Pháp, Nhật... bán cái gì thì ở Nguyễn Sơn có bán cái đấy. Đối với những hàng mà khách đặt riêng thì chỉ một ngày hoặc lâu nhất là vài ba hôm sau sẽ có.
Riêng với đồ Nhật, khách được các chủ cửa hàng tư vấn chuyển sang dùng hàng có xuất xứ nước khác hoặc phải chấp nhận mua với giá tăng cao 20-30%. Các chủ cửa hàng lý giải do hàng từ Nhật bị ngưng từ khi có vụ tiếp viên hàng không nghi vận chuyển đồ gian. Một chủ cửa hàng trong ngõ 158 Nguyễn Sơn cho biết cách đây một tháng, hàng Nhật bị hàng không kiểm soát chặt chẽ. “Tôi còn đang nợ khách hơn 30 hộp viên uống làm đẹp da. Loại này bán chạy ở Nhật lắm. Giá 750.000 đồng/hộp 60 viên. Cứ tình hình này chưa biết bao giờ mới “đánh” được hàng về” - chủ cửa hàng này than thở.
L.THANH