Ảnh minh hoạ
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Văn bản trên yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Như định hướng thời gian qua, nhà điều hành chính sách tiền tệ yêu cầu các thành viện hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.
Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý việc kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh.
Đáng chú ý, tại văn bản trên, Ngân hàng Nhà nước nêu về một hiện tượng, khi yêu cầu giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặc chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro và phù hợp với các quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và các quy định phát luật khác có liên quan.
Liên quan đến hai lĩnh vực được nhắc nhở nói trên, báo cáo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã được kiểm soát với tốc độ tăng chậm lại trong năm qua.
Cụ thể, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản năm qua chỉ tăng 8,56%, chiếm tỷ trọng 6,53% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, thấp hơn so với mức tăng 12,86% và tỷ trọng 7,71% cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối 2017 tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng không đáng kể.