Nhưng cách tiếp cận khách hàng của một số nhân viên gây ra không ít e ngại với người dân như "cho vay dễ dàng, thu nợ khủng bố…" buộc các công ty, đặc biệt là các công ty chú trọng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường, phải kịp thời có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, mạnh tay xử lý.
Nhiều lợi thế của công ty tài chính
Dù mới xuất hiện nở rộ thời gian gần đây nhưng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ngày càng được ưa chuộng, giải quyết nhu cầu về tài chính cho một bộ phận lớn người dân ở khắp các tỉnh, thành.
Trên góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định tỉ trọng tiêu dùng trên GDP của Việt Nam liên tục tăng cao, tầng lớp trung lưu đang phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm đang là bệ đỡ rất tốt cho thị trường tài chính tiêu dùng.
Ông Lực cho rằng, lợi thế của các công ty tài chính là giải quyết những bất cập của ngân hàng về điều kiện cho vay chặt chẽ. Đổi lại, vay tiêu dùng ở công ty tài chính có thủ tục nhanh gọn, đơn giản, sẵn sàng cho vay tín chấp. Với các gói cho vay tiêu dùng, khách hàng hưởng lợi là có ngay hàng hóa, dịch vụ để sử dụng, tiêu dùng khi chưa có đủ tiền; khoản vay sẽ được trả dần phù hợp với thu nhập do đã được tư vấn về số tiền cần chi trả hằng tháng.
Các công ty tài chính cũng đưa ra nhiều gói vay nhỏ, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các công ty tài chính áp dụng linh hoạt tùy thuộc vào các điều kiện về hồ sơ vay, mục đích sử dụng, lãi suất có xu hướng giảm dần thời gian qua. Những ưu điểm này tạo điều kiện cho nhiều cá nhân có nhu cầu vay vốn tìm đến công ty tài chính để vay tiền, thay vì phải sử dụng tín dụng đen.
Kiểm soát chặt để tạo niềm tin cho khách hàng
Tiềm năng của thị trường lớn nên các công ty tài chính đang phát triển nở rộ. Hiện có tới 18 công ty tài chính đang góp mặt trên thị trường, với sản phẩm, hệ thống, hoạt động cho vay tiêu dùng đa dạng. Các nhóm công ty hoạt động mạnh đã và đang tăng tốc xây dựng mạng lưới rộng khắp, len lỏi từ thành phố lớn tới các tỉnh vùng sâu vùng xa.
Dù vậy, một trong những hạn chế ở phân khúc cho vay tiêu dùng khiến khách hàng e ngại là tình trạng thiếu minh bạch, mượn danh nhân viên công ty tài chính gợi ý khách hàng theo cách không chính thống… Những điều này khiến một bộ phận khách hàng e dè khi tiếp cận với sản phẩm của các công ty tài chính.
Là một "tân binh" chính thức ra mắt thị trường từ tháng 8-2018, Công ty tài chính TNHH MTV SHB (SHB Finance) rất chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh một công ty hoạt động bền vững, minh bạch thông tin bên cạnh các hoạt động phát triển kinh doanh. Khi được hỏi về cách công ty tài chính đối mặt với tình trạng trên, đại diện SHB Finance chia sẻ: "Trong giai đoạn phát triển nóng, bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, thiết kế sản phẩm phù hợp theo từng phân khúc khách hàng, việc kiểm soát sự tuân thủ của nhân viên kinh doanh với khách hàng đúng nguyên tắc là nhiệm vụ hàng đầu mà công ty chúng tôi luôn chú trọng".
Vị đại diện SHB Finance chia sẻ, công ty có sự kiểm soát theo cấp bậc nên phát hiện có nhân viên tư vấn quảng cáo quá mức so với sản phẩm nhằm mục đích gây sự chú ý. Công ty ngay lập tức có biện pháp xử lý sai phạm một cách nghiêm khắc, thực hiện nhiều biện pháp nâng cao sự tuân thủ của cán bộ nhân viên và cộng tác viên bán hàng.
Cụ thể, SHB Finance đã ban hành quy tắc ứng xử với khách hàng trong đó quy định cụ thể những yêu cầu với nhân viên tư vấn, nhân viên thu hồi nợ như nhân viên khi tư vấn không được phép nhận tiền, quà tặng của các cá nhân, không được tư vấn khách hàng (dưới mọi hình thức) làm giả hồ sơ hoặc thay đổi thông tin khách hàng để làm hồ sơ vay, đồng thời kịp thời báo cáo khi phát hiện dấu hiệu khả nghi/gian lận. Nhân viên phòng thu hồi nợ sớm không được gọi, gửi tin nhắn cho khách hàng/người liên hệ bằng số điện thoại cá nhân. Không được tự ý làm giả/ mạo danh các giấy tờ, con dấu của công ty, các cơ quan có thẩm quyền; không được sử dụng các mẫu biểu, văn bản không đúng với quy định của công ty và rất nhiều quy định chi tiết khác. Định kỳ, các trưởng nhóm phải thực hiện rà soát sự tuân thủ và báo cáo lên cấp quản lý của mình, đảm bảo sự tuân thủ phải được thực thi từ các cấp. Những biện pháp này có ý nghĩa 2 mặt với cả công ty và khách hàng. Với khách hàng, sự minh bạch không chỉ bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà còn cảnh báo cho khách hàng về những rủi ro tài chính cá nhân khi nhu cầu vay vượt quá khả năng chi trả trong tương lai, giúp khách hàng cân đối lại khoản vay.
Ngoài ra, SHB Finance còn chủ động truyền thông tới khách hàng, các cơ quan truyền thông trên website của công ty, đề nghị được nhận phản hồi từ công chúng khi phát hiện những dấu hiệu nghi vấn từ nhân viên công ty hoặc những người mạo danh công ty để kịp thời ngăn chặn trước khi xảy ra hậu quả gây thiệt hại cho khách hàng và uy tín công ty.
"SHB Finance đã công khai đường dây nóng để khách hàng có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết. Với SHB Finance, chúng tôi luôn đề cao hoạt động kinh doanh minh bạch, tuân thủ, không dung túng với những hành vi gian lận, mạo danh ảnh hưởng đến uy tín của công ty, quyền lợi của khách hàng và sự hoạt động lành mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng" - đại diện SHB Fiance khẳng định.