Một số cổ phiếu ngân hàng tách nhóm tăng giá mạnh, ngược với xu hướng suy giảm chung từ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ảnh minh họa.
Diễn biến trên tạo hiện tượng phân hóa rõ nét trong nhóm, kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua cho đến nay.
Đó cũng là khoảng thời gian thị trường chịu tác động tiêu cực từ tình hình dịch cúm Covid-19. Nhưng bối cảnh này lại càng làm nổi bật những hiện tượng cổ phiếu ngân hàng ngược dòng.
Điểm chung, theo cách nói đời thường của nhiều nhà đầu tư cá nhân, ở đó có "game". Những ngân hàng đó đang có kế hoạch lớn, triển vọng thay đổi lớn nào đó khác với diễn biến thông thường, và dĩ nhiên là tích cực.
Thử nhìn lại một số trường hợp diễn ra vừa qua.
Trước hết, cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank): dù có điều chỉnh nhẹ gần đây, nhưng chuỗi tăng giá rất mạnh và liên tục suốt hai tháng qua tạo hiện tượng trên HOSE, cũng như trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Từ dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, giá VPB liên tục tăng đột biến lên quanh 29.000 đồng/cổ phiếu trước khi có điều chỉnh trong vùng 27.000 - 28.000. Sức tăng tới gần 50% chỉ trong khoảng hai tháng trở nên nổi bật.
Gần cuối hành trình leo dốc nói trên, thông tin về khả năng triển khai IPO công ty tài chính của VPBank với thương hiệu FE Credit bắt đầu xuất hiện, trước hết ở thủ tục chuyển đổi mô hình đã được cơ quan chức năng chấp thuận.
"Game" ở đây gắn với kỳ vọng của nhà đầu tư về kết quả IPO một công ty tài chính đang nắm thị phần lớn nhất Việt Nam, đầu mối đóng góp lợi nhuận lớn cho ngân hàng những năm qua… Và công ty tài chính vốn là điểm đến hàng đầu của vốn ngoại trong nhiều thương vụ trước đó.
Tiếp đến, cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trên HNX: Đây là hiện tượng đáng chú ý nhất, tăng giá mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng ngược xu hướng chung từ đầu năm đến nay, đặc biệt chỉ trong 10 phiên gần nhất.
Suốt một thời gian dài, tính bằng năm, thị giá SHB chìm dưới mệnh giá và thiếu sóng. Từ đầu 2020, giá cổ phiếu này còn chớm trên 6.000 đồng/cổ phiếu, bắt đầu nổi sóng lên gần 8.000 đồng rồi điều chỉnh.
Quãng đột biến hiếm có tại SHB thể hiện trong khoảng chục phiên giao dịch vừa qua, với đà tăng rất mạnh, xen những phiên kịch trần biên độ cùng khối lượng bùng nổ. Mức cao nhất ghi nhận đến phiên 6/3 ở 13.000 đồng/cổ phiếu, rồi điều chỉnh sau đó. Nếu tính từ quãng chớm trên 6.000 đồng/cổ phiếu từ ba tháng trước, giá SHB đã tăng tới gấp đôi.
"Game" tại hiện tượng SHB nằm ở kế hoạch "có tính sống còn" của ngân hàng: phát hành cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Để đảm bảo thành công, thị giá cổ phiếu trên sàn cần cao hơn ở một mức độ hấp dẫn so với giá chào bán (10.000 đồng/cổ phiếu), như một điểm thu hút và bảo đảm lợi ích cổ đông - nhà đầu tư góp vốn mua phần phát hành thêm.
Kế hoạch tăng vốn của SHB "có tính sống còn", vì đây đang là thành viên có quy mô tổng tài sản top 5 khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mức vốn điều lệ chưa tăng được đáng kể hai năm qua để cân đối. Mặt khác, áp lực đáp ứng Basel II đã hiện hữu, khi Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (về yêu cầu tuân thủ Basel 2) đã có hiệu lực từ 01/01/2020, trong đó yêu cầu đầu tiên là đảm bảo đủ vốn.
Một hiện tượng ngược dòng nữa đáng chú ý ở giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trên HOSE.
Cũng ngược với xu hướng chung, có xen kẽ những quãng điều chỉnh, nhưng STB đã có một quá trình tăng giá ấn tượng trong ba tháng qua. Từ từng chớm xuống dưới mệnh giá, cổ phiếu này đã có cú bật lên cao nhất hơn 12.600 đồng/cổ phiếu, tức tăng khoảng 26% kể từ đầu năm mà tập trung khoảng một tháng gần đây.
Khác với VPB và SHB, "game" tại STB nằm trong suy đoán, bàn luận của nhà đầu tư cá nhân trên một số diễn đàn. Họ tính toán khả năng có thay đổi về cơ cấu cổ đông lớn tại Sacombank(?), dẫn đến kỳ vọng ngân hàng sẽ có thêm nguồn lực mới nữa để tiếp tục thể hiện sự trở lại qua tái cơ cấu.
Câu chuyện cổ đông lớn tại Sacombank từng được giới đầu tư quan tâm trước đây, ở khả năng Ngân hàng Nhà nước (qua đầu mối đang đại diện là VAMC) sẽ thoái, bán cho nhóm tổ chức nào đó ở phần khoảng 53% cổ phần đang nhận ủy quyền trước đây…(?).
Nếu có tình huống trên, "game" ở đây có một thử thách: lượng cổ phần trên chuyển nhượng đòi hỏi nhóm nhà đầu tư phải có lượng tiền mặt, tiền tươi rất lớn, không phải là tiền vay mượn theo quy định của luật hiện hành.
Tựu trung, những hiện tượng tăng giá ấn tượng tại VPB, SHB hay STB đã tạo phân hóa rõ nét trong nhóm cổ phiếu ngân hàng vừa qua, trong bối cảnh thị trường suy giảm chung với nhiều mã cùng ngành điều chỉnh mạnh.
Tuy nhiên, dù có "game" hay không, giá cổ phiếu vẫn đặt trên nền những yếu tố, giá trị cơ bản và triển vọng phát triển của doanh nghiệp.
Như tại VPBank, sau năm 2018 chùng xuống, đà tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh đã trở lại mạnh trong năm 2019, cùng với việc tất toán xong toàn bộ nợ xấu tại VAMC, hoàn tất Basel II trước thời hạn.
Tại Sacombank, kết quả lợi nhuận tiếp tục vượt xa kế hoạch hàng năm kể từ khi triển khai đề án tái cơ cấu.
Hay tại SHB, tăng trưởng lợi nhuận đã bứt phá 47% trong năm 2019, và đặc biệt việc chủ động mua lại tới 5.773 tỷ đồng trái phiếu VAMC trước thời hạn đã tạo điều kiện để dồn trả cổ tức, cũng như được thực hiện kế hoạch tăng mạnh vốn với tiến độ đang diễn ra nói trên.