Đây là mức giá cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam và có lẽ sẽ hiếm có công ty nào có mức giá tương tự.
Cụ thể, Công ty CP VNG (tiền thân là Công ty Vinagame) vừa thông báo đã hoàn tất bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) - cao hơn 75% so với mức giá tối thiểu 1.061.000 đồng mà Đại hội cổ đông của công ty đã thông qua. Hiện VNG vẫn còn nắm giữ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ trên tổng lượng cổ phiếu đã phát hành là 34,54 triệu.
Bên mua vào là Công ty Seletar Investments - thuộc Tập đoàn đầu tư Temasek - Singapore. Với kết quả này, Seletar Investments nắm giữ 1,74 triệu cổ phiếu VNG, tương đương 5,04% vốn điều lệ và 6,35% lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNG. Tổng số tiền từ đợt chào bán này là 662 tỉ đồng, được VNG sử dụng để mở rộng phát triển cũng như tiếp tục các hoạt động đầu tư khác.
VNG hiện là đơn vị chủ quản của các ứng dụng nổi tiếng ở Việt Nam như Zalo, Zalo Pay, Zing MP3...
Với mức giá nói trên, vốn hoá của VNG đã lên mức 51.000 tỉ đồng, tương ứng 2,2 tỉ USD, cao hơn gấp đôi so với vốn hoá của Công ty CP Tập đoàn FPT (27.600 tỉ đồng). Cổ phiếu FPT đang niêm yết trên thị trường với mức giá khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu.
VNG xuất phát điểm là một công ty chuyên phát hành game online. Những năm gần đây, VNG đã đầu tư sang nhiều lĩnh vực mới như ứng dụng Zalo, thanh toán, thương mại điện tử, quảng cáo.... với doanh thu năm 2018 đến 4.300 tỉ đồng.
VNG từng ký một biên bản ghi nhớ để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ từ tháng 3-2017 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Tháng 9-2018, hệ thống VNG gặp sự cố về điện đã ảnh hưởng đến các sản phẩm và dịch vụ của VNG tại thời điểm đó. Một số báo đã không truy cập được vào website, do các trang web này sử dụng hệ thống quản lý nội dung (CMS) ePi, có hệ thống quản lý đặt tại trung tâm dữ liệu VinaData của VNG. Đồng thời, nhiều người không thể truy cập vào các ứng dụng của VNG như Zalo, Zalo Pay, Zing MP3 và các loại game như 360game, gamemobile, wegame…