Ngày 27-4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019. Thay vì quan tâm đến tình hình làm ăn của ngân hàng, cổ đông OCB chủ yếu hỏi: "Vì sao ngân hàng chưa lên sàn chứng khoán?", bởi kế hoạch này đã được HĐQT OCB thông qua từ các mùa đại hội trước.
Một số cổ đông còn trách HĐQT OCB quá chậm chân, không đưa cổ phiếu lên sàn sớm hơn, khi giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức cao.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, khẳng định hoàn toàn không có chuyện không muốn niêm yết mà chỉ cân nhắc thời điểm lên sàn để tốt cho việc quản trị điều hành và cả cổ đông. Bởi nếu tính ở nhóm các ngân hàng có mức lợi nhuận trên 2.000 tỉ đồng, OCB là một trong rất ít ngân hàng còn "room" vốn ngoại. Do đó, việc tìm kiếm, kêu gọi cổ đông chiến lược để gia tăng năng lực tài chính của ngân hàng nhằm tạo vị thế, định vị cổ phiếu rồi mới niêm yết, tạo giá trị gia tăng cho khách hàng được HĐQT cân nhắc kỹ.
Cổ đông của OCB muốn ngân hàng sớm lên sàn. Ảnh: Linh Anh
Năm 2017, OCB định lên sàn UPCoM, năm 2018 định chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) nhưng từ quý II năm ngoái, thị trường thay đổi rất lớn. Một vài ngân hàng đã hoàn thành bán cho nước ngoài, niêm yết lên sàn nhưng bị lỗ vì giá cổ phiếu giảm mạnh. Do đó, những ngân hàng có nhu cầu nhưng đi sau như OCB rất bất lợi, gần như không còn được chào đón.
"Trong khi OCB, lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng thì không có lý do gì giá quá bèo bọt, quá rẻ. Chúng tôi thấy vậy là rất thiệt cho cổ đông và không tạo ra nguồn lực tài chính để hỗ trợ ngân hàng phát triển lên bậc cao mới nên đã quyết định lùi thời gian niêm yết" – ông Tuấn lý giải.
Trong tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu OCB, HĐQT cũng giải thích tình hình huy động vốn và giao dịch cổ phiếu ngành ngân hàng trong giai đoạn từ quý II/2018 trở đi không được thuận lợi, nên việc thực hiện niêm yết cổ phiếu chưa được hoàn tất trong năm ngoái. Theo kế hoạch, dự kiến trong quý III/2019, OCB sẽ lên sàn nếu thị trường thuận lợi.
Năm 2018, OCB đạt lợi nhuận trước thuế hơn 2.201 tỉ đồng. Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20% để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, OCB sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 695 tỉ đồng và phát hành thêm 20,5% cổ phần phổ thông cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Phương án phân chia lợi nhuận sẽ được ngân hàng thực hiện ngay sau ĐHCĐ, còn việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tiến hành song song với quá trình chuẩn bị niêm yết lên sàn.
Năm 2019, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận 3.200 tỉ đồng, tăng 45% so với năm trước. OCB là một trong số các ngân hàng đã hoàn thành Basel II nên được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên hơn trong tăng trưởng tín dụng, ở mức 30% trong năm nay.