Kết thúc năm 2018, các tỉ phú USD của Việt Nam vẫn giữ được “ngôi vương” : Những người giàu nhất Việt Nam. Nhưng đây cũng là năm chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị với nhiều nốt thăng trầm, đầy vất vả chống lại những biến động kinh doanh khó lường của các tỉ phú Việt.
Cuộc chơi lớn của tỉ phú Việt
Đến thời điểm này, Việt Nam được nêu tên bốn doanh nhân trong bảng xếp hạng tỉ phú USD của tạp chí Forbes. Đó là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.
Trong đó, tỉ phú Phạm Nhật Vượng có cuộc chơi lớn với điểm nhấn dấu ấn là xe hơi thương hiệu Việt Nam. Ông Trần Đình Long bị bật ra ngoài, trước khi quay lại bảng xếp hạng tỉ phú thế giới. Ông Trần Bá Dương ra tay nghĩa hiệp cứu tỉ phú Việt Nam, còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo vất vả chống đỡ với các sự cố hàng không dịp cuối năm.
Cụ thể, theo Forbes, đến thời điểm này, ông Phạm Nhật Vượng đứng thứ 499 trong danh sách tỉ phú USD của thế giới với tổng giá trị tài sản 6,3 tỉ USD. Đây là năm thứ sáu ông Vượng giữ vững ngôi vị này.
Ông Phạm Nhật Vượng đã quá quen thuộc là người tạo lập các dự án bất động sản đình đám và là người đã xây dựng nên một hệ sinh thái cho cộng đồng người mua sản phẩm Vingroup. Tuy nhiên, năm 2018 mới là cuộc chơi thực sự lớn của ông Vượng. Tuyên bố vào đầu năm ra mắt xe hơi Việt Nam thì đến cuối quý III/2018, người Việt đã mãn nhãn với màn ra mắt xe thương hiệu VinFast tại Paris (Pháp). Ngay sau đó, liên tiếp một loạt sản phẩm mang tính công nghệ gồm xe máy điện VinFast Klara và một loạt mẫu điện thoại Vsmart ra mắt.
Ông Vượng đã từng phát biểu trên Forbes: “Tôi không quan tâm đến chuyện có bao nhiêu tiền, mà tạo ra những thứ mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống”. Từ tuyên bố này, nhìn về các sản phẩm mà ông Vượng đang tạo dựng đang đi đúng kim chỉ nam mà ông đặt ra. Đó là các lĩnh vực trường học, y tế, cửa hàng tiện lợi và sau đó là những thương hiệu công nghệ do người Việt Nam sản xuất.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, nhận xét: “Anh Vượng là một con người đặc biệt, tạo nên những sản phẩm không chỉ Việt Nam cần mà thế giới cũng cần. Dám đưa ra những sản phẩm như thế thì cần phải có gan to, thứ hai là nhiều tiền. Tiền anh Vượng không khó huy động nhưng cần có tầm nhìn rộng và dám làm” - ông Minh nói.
Chuyện ông Trần Bá Dương (phải) ra tay nghĩa hiệp cứu bầu Đức được nhiều doanh nhân nhắc tới thời gian qua. Ảnh: TL
Tỉ phú “giải cứu” đại gia
Vào những tháng cuối năm 2018, tỉ phú USD Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, rớt khỏi bảng xếp hạng những tỉ phú USD của thế giới. Từ đó thị trường chứng khoán đã phản ứng không tốt với cổ phiếu Hòa Phát khi bốc hơi hơn 30% giá trị.
Với đại gia Long có lẽ chẳng màng đến danh hiệu tỉ phú USD nhưng cách ông tìm cách lèo lái công ty để vượt qua giai đoạn khó khăn và vẫn duy trì tốt kết quả kinh doanh khi chín tháng đầu năm 2018, lãi ròng Hòa Phát đạt gần 7.000 tỉ đồng, giúp thị trường lấy lại niềm tin. Do vậy đến nay ông Long lại có tên trong bảng xếp hạng tỉ phú USD của tạp chí Forbes.
Tuy nhiên, ngoạn mục nhất có lẽ cách một tỉ phú USD “giải cứu” tỉ phú Việt Nam. Đó là chuyện ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, ra tay nghĩa hiệp cứu bầu Đức. Thaco đã rót hàng ngàn tỉ đồng vào Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) xem như đã cứu công ty này khỏi vực thẳm nợ nần. Thậm chí nhiều chuyên gia dự báo trong tương lai không xa, dưới bệ đỡ vốn và công nghệ sẽ thúc đẩy HAGL trở thành một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, thừa nhận: “Điểm nghẽn là giá cả. HAGL đầu tư cao su nhiều nhưng khi giá bán cao su đi xuống mạnh thì mất thanh khoản về mặt tài chính. Ngay từ đầu năm 2018, HAGL tìm rất nhiều phương án từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông, bán trái phiếu cho nhà đầu tư để có nguồn lực tài chính tái cơ cấu nợ lẫn mở rộng quy mô vùng trồng trái cây nhưng thất bại. Đúng lúc đó Thaco đã trở thành vị cứu tinh cho HAGL”.
Là nữ tỉ phú USD thế giới duy nhất của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc hãng hàng không giá rẻ VietJet, đã biến hãng bay này trở thành hãng hàng không có giá trị lớn thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore Airlines.
Tuy vậy, một số ý kiến nhận định việc tăng trưởng quá nóng cũng khiến bà Thảo trả giá. Vào những tháng cuối năm 2018, hãng hàng không này liên tục gặp sự cố. Trong đó nghiêm trọng nhất là sự cố máy bay VietJet đáp nhầm đường băng tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh vào ngày 25-12-2018, chỉ không lâu sau rớt bánh càng trước trong quá trình hạ cánh tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.
Trước những sự cố trên, thị trường chứng khoán đã phản ứng ngay đến cổ phiếu VietJet. Điển hình như vào ngày 25-12-2018, giá cổ phiếu của hãng hàng không này mất 2.400 đồng và tiếp đến phiên giao dịch ngày 27-12-2018 mất tiếp 400 đồng. Điều này khiến bà Thảo mất ngay 370 tỉ đồng.
Việt Nam sắp có thêm 2 tỉ phú đôla thế giới
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều khuôn mặt tỉ phú mới. Điều này một mặt cho thấy mức độ tăng trưởng tốt của nền kinh tế, mặt khác trong bất kỳ thời điểm nào cũng có thể phát triển giá trị tài sản nếu biết nắm bắt cơ hội.
Theo đó, trong bảng xếp hạng những đại gia giàu nhất trên sàn chứng khoán, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo lần lượt chiếm vị trí thứ nhất và nhì trên bảng xếp hạng. Vị trí thứ ba và tư là hai cái tên mới toanh. Đó là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, đang đứng thứ ba bảng xếp hạng với giá trị tài sản là 20.182 tỉ đồng. Kế tiếp là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, có khối tài sản là 19.790 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ông Anh và ông Quang được hãng tin Bloomberg dự báo sẽ là hai tỉ phú USD tiếp theo của Việt Nam.
Cổ vũ làm giàu chính đáng
Đánh giá về những siêu người giàu của Việt Nam, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Xã hội luôn cần đến tầng lớp người giàu để làm đầu tàu thúc đẩy xã hội đi lên. Do đó, xã hội nên cổ vũ con đường làm giàu chính đáng của những người này vì sau khi tích lũy tài sản họ sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển, thịnh vượng của quốc gia.
"Tuyệt vời hơn là các đại gia đang quay trở lại phục vụ xã hội, đóng góp cho cộng đồng thông qua việc rót vốn vào các lĩnh vực phi lợi nhuận như giáo dục, y tế" - ông Thành bình luận.