Những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến nhiều đợt sốt đất không chỉ tại các dự án ở các thành phố lớn mà còn ở các khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Hà Tây (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)... và gần đây nhất là tại Hớn Quản (Bình Phước).
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, đã có một số chia sẻ về vấn đề này và đưa ra những lời khuyên cho các nhà đầu tư cá nhân liệu có nên chạy theo các cơn sốt đất như vậy hay không.
Đất các tỉnh đang sốt, bất chấp khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Theo TS Nguyễn Ngọc Khương, sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần những cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn. Những cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi để đầu cơ chờ thời.
Mới đây, cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được cho là do một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních với diện tích lên tới 500ha, sau khi đoàn khảo sát của tỉnh đến để khảo sát vị trí để xin chủ trương. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, cơn sốt này đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng đã vỡ và chỉ còn lại hệ quả của một cơn sốt đất nữa tại nước ta.
TS Khương đánh giá: "sân bay Téc-Ních tại Bình Phước không phải là cây đũa thần làm cho nền kinh tế của tỉnh và thị trường bất động sản khởi sắc chỉ trong một thời gian ngắn như thế".
Trong khi đó, tại Bình Phước, việc người dân địa phương chạy theo cơn sốt và bán đi những khu đất là nguồn thu nhập chính từ trước đến nay được các chuyên gia quan ngại. Tại huyện Hớn Quản, người dân địa phương lâu nay sống nhờ vào nông nghiệp như là trồng cây cao su và thu hoạch mủ cao su để nuôi sống gia đình. Việc bán đi những mẩu đất này không khác gì bán đi cần câu cá, mất đi nguồn thu nhập chính.
Theo TS Sử Ngọc Khương, đây là một vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp quản lý. Việc quy hoạch hợp lý và đề cao tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn khi đa phần người dân ở đây thiếu tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy và phổ quát, sẽ góp phần tránh được bong bóng nhà đất.
"Rõ ràng hiện tượng sốt đất vẫn đang tiếp diễn và có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương từ việc họ mất đi nguồn thu nhập chính. Về lâu dài, thì nền kinh tế vĩ mô và xã hội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc lao động sản xuất. Vì thế người dân cần được nâng cao về nhận thức để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ và tạo ra những cơn sốt ảo" - ông Khương nhìn nhận.