Tổng kết thị trường chứng khoán tháng 8 vừa qua, các công ty chứng khoán cho rằng du dù rơi vào tháng dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ cùng nhiều thông tin tiêu cực nhưng VN-Index vẫn tăng nhẹ 1,64% lên 1.331,47 điểm vào ngày cuối tháng, tăng gần 21% so đầu năm. Đặc biệt, trong tháng, sàn HOSE ghi nhận phiên giao dịch phiên kỷ lục 20-8 với thanh khoản gần 38.350 tỉ đồng, cao nhất trong 21 năm qua và khối lượng giao dịch đạt gần 1,2 tỉ cổ phiếu. Giá trị và khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên lần lượt đạt 23.034 tỉ đồng và 703,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng lần lượt 13,95% về giá trị và tăng 16,63% về khối lượng bình quân so với tháng trước.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tháng 8 tăng 8,8% so với cuối tháng trước, lên 342,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 3,4 tỉ cổ phiếu (tăng 30,7% so tháng trước), giá trị tương ứng đạt hơn 85.100 tỉ đồng (tăng đến 40,4% so tháng trước). Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 158 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 32,7%, giá trị giao dịch đạt hơn 3.870 tỉ đồng/phiên, tăng 40,4% so với tháng trước.
Trong tháng 8, khối ngoại tiếp tục bán ròng 7.800 tỉ đồng, thông qua giao dịch khớp lệnh trên HOSE. Việc này liên quan đến mối lo ngại về khả năng kiểm soát Covid-19 của Việt Nam khi số ca bệnh mỗi ngày chưa có dấu hiệu tạo đỉnh.
Các chuyên gia nhận định thị trường sẽ khả quan hơn trong tháng 9 này. Ảnh: Hoàng Triều
Nhận định tháng 9, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), cho rằng thị trường chứng khoán tháng 9 nhìn chung sẽ không có những thông tin tiêu cực. Bởi, dự báo kết quả kinh doanh quý III không tốt do đại dịch gần như đã phản ánh gần hết vào các nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tháng 8, với mức giảm tới 20-30% và VN-Index từ 1.400 điểm rớt xuống chỉ còn 1.250 điểm trước khi phục hồi lên hơn 1.330 điểm.
"Tôi cho rằng VN-Index tháng 9 sẽ không có nhiều lý do để thị trường điều chỉnh sâu khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang thu hút dòng tiền trở lại. Đồng thời sắp tới đây, các yếu tố thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại kkinh doanh sau dịch, chắc chắn cần đến vay trò của nhà băng"- ông Tuấn chia sẻ.
Tuy vậy, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cũng đưa ra quan điểm thận trọng đối với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ do đã tăng mạnh trong tháng 8 và dư địa tăng giá không còn nhiều. Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 20% - 30%, vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn và là điểm tích cực cho tháng 9 này.
Diễn biến chung thị trường chứng khoán tháng 9 theo VDS, thị trường sẽ dựa trên những thông tin lạc quan về tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc-xin và câu chuyện nới lỏng các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt như hiện tại. Trong trường hợp xấu nhất, thị trường sẽ điều chỉnh vẫn là việc giãn cách xã hội chặt chẽ kéo dài có thể làm ảnh hưởng tâm lý chung của nhà đầu tư nước ngoài.
"Trong tháng này, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 -1.380 điểm. Những thông tin lạc quan về tiến độ tiêm chủng và nới lỏng dần các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể tạo tâm lý tích cực cho thị trường. Chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có khả năng biến động mạnh trong tháng 9 và tác động trực tiếp VN-Index. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.380 điểm"- VDS nhận định.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra 2 kịch bản cho thị trường trong tháng 9. Theo đó, VN-Index có thể duy trì đà tăng và hướng lên ngưỡng 1.400 điểm khi dịch bệnh có thể kiểm soát vào giữa tháng 9, khối ngoại quay trở lại mua ròng. Dù vậy, BSC lưu ý triển vọng kết quả kinh doanh quý III kém tích cực sẽ kéo theo sự phân hóa và biến động mạnh ở vùng giá cao của các nhóm cổ phiếu.
Ngược lại, nếu diễn biến dịch phức tạp so kỳ vọng, VN-Index kiểm tra lại ngưỡng 1.300 điểm sau nhịp hồi phục, khối ngoại duy trì rút vốn cùng triển vọng kết quả kinh doanh quý III kém tích cực sẽ là yếu tố kìm hãm đà hồi phục. Trong trường hợp này, VN-Index vận động tích lũy trong vùng 1.280 – 1.350 điểm.