Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Công ty CP Chứng khoán SSI diễn ra trong bối cảnh thị trường không mấy khả quan, thanh khoản kém và chỉ số "dập dình" sắc đỏ. Là đơn vị dẫn đầu thị phần, hoạt động kinh doanh SSI theo đó phụ thuộc rất mạnh vào diễn biến của thị trường chứng khoán, cũng chính vì lẽ đó nhiều câu hỏi liên quan đến VN-Index được đưa ra trong phần thảo luận.
Nói về kế hoạch kinh doanh 2019 của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT SSI Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh trong ngành tài chính không nên nói trước, bởi nói trước thì đầu tư khó hơn, nói ra không làm được thì mất uy tín. "Việc không làm đúng kế hoạch đề ra mới chính là rủi ro. Làm hơn không phải là tốt. Nếu làm cao hơn kế hoạch nghĩa là đặt kế hoạch sai", vị này phân trần, riêng với SSI thì chỉ tiêu kinh doanh đã được lên từ 3 tháng trước đó và không xấu hơn 2018.
Đến bây giờ theo ông Hưng, sẽ rất áp lực để thực hiện, khi kết thúc quý 1 mặc dù nhận định không khác so với đầu năm, nhưng kết quả thực tế thì không đạt kỳ vọng tức Chứng khoán SSI đã mất 3 tháng để hoàn thành kế hoạch.
Ông Nguyễn Duy Hưng
Thị trường đang kỳ vọng một độ trễ để tăng trưởng trở lại như Mỹ, Trung Quốc
"Sau quý 1, rõ ràng chúng ta thấy rằng cơ hội rất lớn và chắc chắn sự tăng trưởng thị trường chứng khoán sẽ đến. Thế nhưng, lúc nào mới bắt đầu câu chuyện ấy khi mà sau quý 1 thì thực tế không nhanh như chúng ta dự đoán?".
Người đứng đầu Chứng khoán SSI cho rằng, những gì cách đây một quý nhìn nhận thì ngày hôm nay thậm chí có những dự báo mọi thứ sẽ khó khăn hơn, tất cả những câu chuyện ấy cho thấy cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng không ít, trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh cùng với những rủi ro tiềm ẩn.
"Tại thời điểm này đặt nghi vấn năm 2019 có cái gì xấu hơn năm 2018 thì chúng ta sẽ không trả lời được, nhưng thực tế nó đang xấu hơn. 3 tháng trước không thấy gì xấu, thậm chí bây giờ cũng không có gì xấu", ông Hưng nói.
Nếu nhìn lại thị trường chứng khoán thế giới, sau chiến tranh thương mại Trung Mỹ thì đến nay chứng khoán Trung Quốc đã tăng lại cận kề đỉnh cũ, thị trường Mỹ cũng tăng vượt đỉnh mọi thời đại. Còn thị trường Việt Nam thì chưa, mà theo vị này là thường thường Việt Nam có độ trễ và chúng ta đang kỳ vọng vào độ trễ đó sắp đến.
Chính vì vậy mà SSI đưa ra kế hoạch kinh doanh khả quan. Được biết năm 2018 là năm kế hoạch kinh doanh Chứng khoán SSI rất tốt, và để đưa ra kế hoạch kinh doanh 2019 thì phải dựa trên luận cứ, nhận định và dự đoán tình hình thực tiễn của thị trường, của nền kinh tế.
Giao dịch VN-Index quý 1/2019. Nguồn: VNDirect.
"Khi nào để thị trường nâng hạng muốn trả lời rất khó"
Một băn khoăn khác tại Đại hội, cũng không quá mới mẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo khi nào sẽ được ngân hạng? Trả lời, ông Hưng khẳng định: "Khi nào để thị trường nâng hạng muốn trả lời rất khó, vì để nâng hạng thì phải có những tiêu chí nâng hạng".
Trở lại với chia sẻ của ông Hưng, trước đây khoảng 2 tháng tại dự thảo triển khai một số công tác trên thị trường chứng khoán, Chính phủ là đưa ra cam kết sẽ xây dựng thị trường chứng khoán thành một kênh huy động vốn hữu hiệu, đủ sức cạnh tranh với kênh huy động vốn khác là ngân hàng.
"Chúng ta cũng thấy một điều rằng là, rất nhiều năm trước, 18 năm trước, 10 năm trước, 5 năm trước chúng ta đầu tư vào ngành chứng khoán, thì ngày hôm nay chúng ta nhìn thấy rằng cơ hội ngành chứng khoán lớn hơn rất là nhiều", ông Hưng nói, sau quý 1/2019 thị trường chứng khoán không tăng trưởng được như dự đoán. Và đến hôm nay thì nhiều dự báo cho thấy một sự khó khăn hơn so với ba tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cũng mới có cảnh báo về dư nợ tín dụng Việt Nam, theo đó sự tăng trưởng Việt Nam bị giảm sút.
Nói như vậy để thấy rằng thị trường có nhiều cơ hội những rất nhiều thách thức để Việt Nam nâng hạng. Chưa kể, theo ông Hưng thị trường Việt Nam khác thị trường chứng khoán nước ngoài, là UBCKNN làm hai chức năng vừa xây dựng vừa muốn kiểm soát thị trường, hiểu nôm na "muốn con đạp xe nhanh" vừa "sợ đâm đau", do đó thị trường chứng khoán hiện tại còn rất nhiều mâu thuẫn.
Tại sao thị trường chứng khoán hấp dẫn?
Cuối cùng, chia sẻ về công cuộc tái cơ cấu thị trường, ông Hưng cho rằng cần thiết vì một cách thường xuyên chúng ta sẽ không thoả mãn với những gì đang diễn ra, "con người là vậy và bản thân tôi cũng vậy".
Vị này tiếp tục, "nhưng nếu như chúng ta quay ngược lại 10 măm trước và hỏi có ngày hôm nay hay không, thì tại thời điểm ấy chúng ta không tưởng tượng được Việt Nam ngày hôm nay đưa ra những deal cả tỷ USD, không ai lúc đó thể nghĩ rằng Việt Nam ngày hôm nay có những phiên giá trị giao dịch lên đến tỷ USD, không ai lúc đó thể nghĩ rằng Việt Nam ngày hôm nay có những công ty phát triển lớn mạnh như thế. Thế nhưng ngày hôm nay khi thị trường đã đạt được những gì hiện hữu, thì chúng ta vẫn luôn cảm thấy chưa làm tốt nhất và thị trường cần phải tái cấu trúc".
Liên quan đến công nghệ 4.0 áp dụng như thế nào và thay đổi như thế nào đến thị trường chứng khoán, ông Hưng khẳng định với lớp nhà đầy tư hiện tại thì công nghệ chưa thay thế được, nhưng đến lớp sau sẽ thay được.
Tuy nhiên, cần phải rõ tại sao thị trường chứng khoán hấp dẫn, do mỗi người có mỗi quan điểm nhận định và khẩu vị khác nhau, nhiều input mới tạo ra output hấp dẫn. Còn công nghệ áp dụng thì Input giống nhau thì sẽ không còn hấp dẫn. "Có thể, công nghệ sẽ hỗ trợ vận hành tốt hơn", ông Hưng cho biết thêm.