Đi dọc theo tỉnh lộ 639, vượt qua 3 đèo Vĩnh Hội, Tân Thanh và Chánh Oai của xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, chúng tôi gặp từng tốp người vát trên vai có hai cục xốp được cột chặt vào hai thanh tre chiều rộng bằng bàn tay, chiều dài gần 2 mét, chính giữa đặt miếng ván nhỏ 0,4 mét được gắn chặt vào hai thanh tre dùng làm chỗ ngồi.
Theo mô tả của bà con địa phương đó là những người chuyên hành nghề câu mực trùm trên biển. Thực chất đây là loại bạch tuột chỉ xuất hiện những tháng mùa gió Tây Nam về.
Ông Đặng Thanh Tư (56 tuổi), ở thôn Tân Thanh, theo nghề câu mực trùm đã hơn 4 năm, cho biết nghề này đã tồn tại khá lâu ở địa phương. Dụng cụ đi câu đơn giản, chỉ cần 2 cục xốp, 4 thanh tre, 1 miếng ván, cần trúc, lưỡi câu, lưới là một mình có thể ra khơi câu mực trùm. Tuy vất vả lênh đênh sóng nước cả ngày, bù lại người câu mực trùm lại có thu nhập cũng khá.
Thông thường người đi câu mực trùm xuất phát từ 6 giờ sáng, câu đến 4 - 5 giờ chiều, mỗi người ít cũng câu được 5-7 kg, nhiều thì 10–30kg. Sau khi trả tiền thuê ghe, phần thu nhập còn lại khoảng vài trăm ngàn, có khi câu trúng quả thu nhập lên đến cả triệu đồng.
Cả xã Cát Hải hiện có gần 200 lao động làm nghề câu mực trùm, tập trung đông ở các thôn Vĩnh Hội, Tân Thanh, Chánh Oai. Bình quân 1 ngày số lao động trên câu được từ 1,5 - 2 tấn mực trùm, cứ chiều đến thương lái các nơi tập trung về bờ biển Cát Hải thu mua 40 – 45 ngàn đồng/kg rồi chở vào TP HCM bán.
Địa bàn hoạt động nghề câu mực trùm trải dài từ cửa biển Đề Gi (huyện Phù Cát) tới vùng biển xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Hiện nay, ngoài câu mực trùm, những người này còn đi đêm câu cả mực lá, mực ống bán giá cao thu nhập khá hơn.
Thời gian ưu ái cho nghề câu mực trùm là lúc trời yên, biển lặng sóng từ tháng 4 cho đến tháng 8 âm lịch. Nhiều người đã có thâm niên câu mực hàng chục năm quá quen với ngư trường và biết thời điêm nào mực cắn câu, vùng nào mực xuất hiện nhiều nên câu mực trùm lúc nào cũng trúng quả cho thu nhập cao.