Nếu người vay vốn không trả được nợ thì sẽ phải chịu chế tài như trả lãi quá hạn khá cao; mất tín nhiệm, có lịch sử tín dụng xấu, có nguy cơ không được vay vốn trong cả hệ thống tổ chức tín dụng. Thậm chí, có dấu hiệu chiếm đoạt khoản tiền vay như gian dối, cố tình không trả nợ thì còn có thể phạm tội hình sự lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Trương Thanh Đức
PV: Các tổ chức tín dụng hiện nay được cho vay với lãi suất tối đa là bao nhiêu thưa luật sư?
Luật sư Trương Thanh Đức: Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng không bị giới hạn mức lãi suất cho vay tối đa, trừ một số trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam không vượt quá 5 – 6% đối với 5 lĩnh vực như phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo quy định tại Điều 13 về "Lãi suất cho vay ", Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN "Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng".
Đối với cho vay bên ngoài các tổ chức tín dụng, thì chỉ được phép cho vay với lãi suất không quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu cho vay lãi cao hơn, cộng với một vài dấu hiệu phạm pháp khác thì bị coi là tín dụng đen.
Còn cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên, cùng với việc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ phạm "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự " theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Người đi vay vốn có trách nhiệm gì khi đã ký hợp đồng vay vốn với tổ chức tín dụng? Nếu vay vốn không trả được nợ sẽ thế nào?
Nhiều người quên đi triết lý mang tính nguyên tắc bắt buộc là có vay có trả, đôi khi cứ muốn vay lấy được mà không nghĩ đến việc phải trả và lấy gì để trả nợ. Nợ quá hạn, nợ xấu. Khi đã ký hợp đồng vay vốn thì nghĩa vụ quan trọng nhất là phải trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Nếu người vay vốn không trả được nợ thì sẽ phải chịu chế tài như trả lãi quá hạn khá cao; mất tín nhiệm, có lịch sử tín dụng xấu, có nguy cơ không được vay vốn trong cả hệ thống tổ chức tín dụng. Thậm chí, có dấu hiệu chiếm đoạt khoản tiền vay như gian dối, cố tình không trả nợ thì còn có thể phạm tội hình sự lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nếu không thu được nợ thì bên cho vay có quyền lợi gì thưa Luật sư?
Bên cho vay có quyền chuyển thành nợ quá hạn, nợ xấu, tính thêm mức lãi quá hạn; không cho vay sau này; thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm (nếu có); khởi kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài đòi nợ. Thậm chí có thể yêu cầu khởi tố hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 về "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trên thị trường có nhiều hình thức cho vay, bao gồm cả cho vay ngang hàng, cho vay qua mạng rồi cầm đồ..., vậy những hình thức cho vay đó có hợp pháp?
Đúng là tín dụng đen đang diễn ra một cách tràn lan, phổ biến, nhất là cho vay trên mạng. Tuy nhiên tín dụng đen khó xử lý vì ranh giới mập mờ do các đối tượng cho vay lãi nặng nắm rõ pháp luật, tìm mọi cách lách luật, thường ghi trên giấy trắng mực đen mức lãi suất không vượt quá 20%, còn phần lãi suất vượt quá thường được tách riêng bằng nhiều cách thức khác nhau, như bớt đi phần tiền gốc thực nhận, trả thêm lãi ngoài giấy tờ hay phải trả nhiều loại phí khác nhau.
Còn đối với các hình thức cho vay trên mạng, các hình thức cho vay này có thể vi phạm hoặc không vi phạm pháp luật tuỳ thuộc phải các trường hợp khác nhau như sau:
Thứ nhất, nếu doanh nghiệp, cá nhân hoạt động cho vay với số tiền lớn một cách thường xuyên, liên tục, chuyên nghiệp như đi vay để cho vay hay như một hoạt động kinh doanh chính, thì là hoạt động cho vay bất hợp pháp, vì không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hay pháp luật cho phép. Trường hợp này sẽ vi phạm quy định "Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng" tại khoản 2, Điều 8 về "Quyền hoạt động ngân hàng ", Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010;
Thứ hai, nếu doanh nghiệp, cá nhân tham gia cho vay bằng số tiền nhàn rỗi không quá lớn, không phải là hoạt động kinh doanh thường xuyên, chuyên nghiệp, thì là hoạt động hợp pháp, hợp lệ. Thậm chí pháp luật thuế còn quy định được miễn thuế giá trị gia tăng;
Thứ ba, nếu doanh nghiệp, cá nhân chỉ đóng vai trò trung gian kết nối, tư vấn, hỗ trợ các đối tượng trên để họ cho người khác vay thì là hợp pháp, vì không trực tiếp thực hiện hoạt động cho vay.
Vậy làm sao để người dân nhận diện được mình đang vay vốn hợp pháp hay không?
Vay vốn ở doanh nghiệp có Đăng ký kinh doanh hợp pháp (có thể tra cứu trên Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia), như các tổ chức tín dụng kinh doanh dịch vụ cầm cồ chẳng hạn. Nếu không có đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký kinh doanh không phải là hoạt động cho vay mà cho nhiều người vay một cách thường xuyên, liên tục có tính chất chuyên nghiệp.
Dịch vụ cho vay cầm đồ hợp pháp thì cũng chỉ được phép cho vay cầm đồ, chứ không được phép cho vay không có tài sản bảo đảm.
Nếu không phải là tổ chức tín dụng thì lãi suất, cộng phí không quá cao.
Có cơ quan nào bảo vệ người dân trong hoạt động vay vốn?
Không có cơ quan cụ thể, chuyên trách bảo vệ trực tiếp, mà chỉ có các cơ quan liên quan đến việc quản lý hoạt động, đồng thời tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như Cục quán lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước hay là cơ quan công an, với vai trò bảo vệ trật tự, trị an xã hội; các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử các tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Luật sư khuyến nghị gì với người dân để vay vốn an toàn, hiệu quả?
Một là chỉ đi vay khi có nhu cầu thật sự cần thiết và có khả năng trả nợ vay. Hai là xem xét kỹ lưỡng khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, trả nợ, nhất là lãi suất. Và ba là cố gắng trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi để tránh bị tăng lãi suất và sức ép khác của bên cho vay.