Chị Nguyễn Thị Trang, ngụ quận Tân Bình, TP HCM, gần đây thường xuyên thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm ở siêu thị và các trung tâm thương mại. Mỗi tháng, giá trị hàng hóa thanh toán qua thẻ của gia đình chị lên tới gần 20 triệu đồng. Do vậy, chị rất cẩn thận mỗi khi sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu.
“Nhiều trường hợp khách hàng bị ăn cắp thông tin hoặc do sơ ý để lộ mã PIN cho nhân viên lúc cà thẻ. Nên khi xài thẻ tín dụng tôi đã tìm hiểu kỹ cách bảo mật, an toàn và chọn cả ngân hàng phát hành thẻ uy tín” - chị Trang chia sẻ.
Ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần hết sức cẩn thận khi sử dụng thẻ thanh toán để tránh bị mất tiền oan. Ảnh minh họa
Tháng 5-2014, tại TP HCM và Hà Nội, sau 2 năm phối hợp với các nhà chức trách Mỹ và Anh, công an Việt Nam đã triệt phá đường dây ăn cắp thông tin thẻ tín dụng quốc tế trị giá 200 triệu USD. Nhóm tội phạm này dùng những thông tin đánh cắp từ thẻ tín dụng để mua hàng trên mạng, rút tiền, thành lập những trang web đánh bạc trực tuyến trên mạng… Mới đây, công an Hải Phòng cũng triệt phá một băng nhóm tội phạm quốc tế đã làm giả thẻ tín dụng để chiếm đoạt hơn 6 tỉ đồng.
“Khách hàng cần cất kỹ thẻ tín dụng vào ví cá nhân, không chuyển cho người khác xem, nhờ người khác giao dịch hộ hoặc cho mượn thẻ bởi có thể bị lộ thông tin trên thẻ” - đại diện Ngân hàng TMCP Đông Á khuyến cáo.
Hầu hết ngân hàng đều khuyên khách hàng nên thường xuyên kiểm tra lại thẻ tín dụng sau mỗi lần sử dụng, hoặc một thời gian dài không sử dụng để khi bị thất lạc có thể sớm thông báo cho ngân hàng kịp thời khóa thẻ. Khi thanh toán mua hàng, ăn uống, khách sạn… nên chứng kiến nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ quẹt thẻ, không nên giao thẻ cho nhân viên tự đi đến nơi đặt máy cà thẻ (POS) để tiến hành giao dịch.
Ngoài ra, khi có nhu cầu giao dịch mua hàng trên mạng, chủ thẻ cần chọn những website uy tín. Nếu giao dịch trên ATM, cần thực hiện theo đúng các hướng dẫn trên máy và đặc biệt lưu ý những cảnh báo trong thao tác nhập số PIN, kiểm tra khe đọc thẻ để phát hiện những dấu hiệu có thiết bị sao chép dữ liệu do kẻ gian lắp đặt vào. Số PIN là mã số bí mật để khách hàng sử dụng cho một giao dịch tài chính bằng thẻ tín dụng nên cần hạn chế ghi chép vào sổ tay, nếu phải ghi chép lại hoặc lưu lại số PIN, chủ thẻ cần cất giữ cẩn thận và an toàn.
Một số ngân hàng cũng khuyến cáo chủ thẻ nên đăng ký dịch vụ nhận tin nhắn thông báo ngay khi phát sinh giao dịch nhằm phát hiện những giao dịch đáng ngờ (giao dịch không do chủ thẻ thực hiện hoặc giao dịch phát sinh ở nước khác trong khi chủ thẻ đang ở Việt Nam). Nếu chủ thẻ nhận được các cuộc điện thoại và trao đổi về một số giao dịch của thẻ, cần bình tĩnh lắng nghe và xác thực lại người gọi. Và đặc biệt không cung cấp thông tin cá nhân và thông tin thẻ tín dụng của mình qua điện thoại để hạn chế rủi ro.