Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TP HCM khẳng định sâu superworm là loài không được phép nuôi vì khi trưởng thành sẽ thành mọt (sâu superworm là ấu trùng của Zophobas morio, một loài bọ cánh cứng màu đen thuộc họ Tenebrionidae – PV) gây hại cho kho tàng, nông sản.
Sắp tới, chi cục sẽ có thông báo về nhận diện loài sâu này cùng hướng dẫn xử lý. Đồng thời, đơn vị đã có kế hoạch kiểm tra, rà soát trên địa bàn để xác định đó có phải là loài sâu superworm bị cấm hay không. Nếu đúng sẽ thông báo cho người nuôi, kinh doanh biết và xử lý theo hướng dẫn. Trường hợp cố tình vi phạm mới tiến hành xử phạt theo quy định.
Trong khi đó, Ths Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang, cho biết sau khi có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, chi cục đã thành lập đoàn đi để kiểm tra về tình hình nuôi sâu gạo trên địa bàn. Bước đầu, các lực lượng chức năng xác định có 2 hộ gây nuôi và kinh doanh sâu gạo ở 2 huyện Tri Tôn và An Phú.
“Do xét thấy những hộ này nuôi tự phát với quy mô nhỏ nên đoàn kiểm tra chỉ ra văn bản đề nghị các địa phương làm công tác tuyên truyền, vận động người dân không được tiếp tục thả nuôi mới. Đồng thời, cho phép các hộ này được tiêu thụ hết số lượng sâu hiện có chứ chưa áp dụng biện pháp tịch thu, tiêu hủy hay xử lý gì cả”- Ths An khẳng định.
Ở tỉnh Vĩnh Long, ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NH&PTNT) tỉnh, cho biết Sở đã xác định có 8 hộ đang nuôi loại sâu này trên địa bàn hai huyện Mang Thít và Long Hồ với 500 khay nuôi. Ước tính mỗi khay ấu trùng nặng khoảng 1-1,5kg; khay thành trùng có khoảng 600-800 con. “Hiện Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đang tiếp tục tiến hành điều tra việc nhân nuôi sâu superworm ở TP Vĩnh Long và các huyện, thị xã khác trong tỉnh”- ông Hiền cho biết.
Cũng theo ông Hiền, Sở NN&PTNT tỉnh đang tăng cường tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là các hộ đang nhân nuôi loại sâu này hiểu rõ việc nhân nuôi, vận chuyển, buôn bán, phóng thích loại sâu này là hành vi có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái và vi phạm pháp luật. “Trong trường hợp cần, sở sẽ buộc các hộ đang nhân nuôi loại sâu này phải tiêu hủy chúng theo quy định” – ông Hiền khẳng định.
Sâu superworm được nuôi trong khay và không có lưới che chắn. Trong ảnh: Một hộ nuôi sâu ở tỉnh Anh Giang. Ảnh: THANH VÂN
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Thành, Phó Trưởng Phòng NH&PTNT huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho biết những ngày qua đã lập biên bản 4 hộ nuôi sâu superworm trên địa bàn huyện và yêu cầu các hộ này làm cam kết tiêu thụ hết số lượng sâu đang nuôi chứ không được nhân, phát tán thêm.
Các cán bộ nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long trực tiếp quan sát việc nuôi sâu superworm cho biết sau khi thu hoạch sâu để bán cho các nhà hàng hoặc người nuôi chim, cá cảnh, người nuôi thường đổ phân và cám thừa ra vườn để bón cho cây ăn trái. Mặt khác, người dân nuôi sâu trong khay và khay để trong nhà, không phải trong chuồng trại có lưới vây kín. Và đó chính là những yếu tố tiềm ẩn để cho sâu thoát ra môi trường và phá hoại cây trái, rau củ…
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) xác định superworm là loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi nông nghiệp và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Theo quy định hiện hành, nếu đơn vị, cá nhân nào nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu superworm mà không được Bộ NN-PTNT cho phép bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 3-6 triệu đồng (Nghị định 114/2013/NĐ-CP ngày 3-10-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật).