Vẫn bán công khai
Những ngày cuối tháng 5-2014, tại khu chợ “cóc” chuyên bán thức ăn cho chim, cá cảnh tại góc đường Tân Hưng – Thuận Kiều (đối diện Thuận Kiều Plaza, quận 5, TP HCM), sâu superworm - còn gọi là sâu gạo - vẫn được mua bán bình thường cùng với cào cào, dế và một số loại thức ăn đóng gói khác.
Giá bán sỉ loại sâu gạo này khoảng 110.000 đồng/kg, còn bán lẻ là 120.000 đồng/kg. Mỗi ngày, một người bán được khoảng 2-3 kg cho dân nuôi gà, chim, cá. Người bán ở đây cho biết đã nghe thông tin cấm nuôi và mua bán sâu gạo từ những người bỏ mối. “Người bán thì không sao chứ người nuôi thì đang ngồi trên đống lửa vì đây là nghề kiếm cơm của họ” - một người bán sâu tại đây cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao động, nhiều người bán lẫn khách mua hàng ở khu vực này đều thắc mắc về lệnh cấm sâu gạo vì loại sâu này đã được nuôi và buôn bán công khai từ rất nhiều năm nay chứ không phải loài vật lạ hay mới du nhập Việt Nam. Ngoài ra, người nuôi cho biết nếu để tự nhiên, sâu gạo chỉ mập lên rồi già chết chứ không sinh sản nên khó gây nguy hại cho môi trường.
Người nuôi bất ngờ
Ông Hoàng Văn Thủy, chủ một trại nuôi dế tại Củ Chi và cũng là một đầu mối cung ứng sâu gạo ở TP HCM, cho biết ông sẽ chấp hành lệnh cấm nếu cơ quan chức năng yêu cầu nhưng hiện tại chưa có thông báo chính thức nào. Theo ông Thủy, trước đây sâu gạo khá đắt, trên 200.000 đồng/kg, chỉ có những người giàu mới mua loại sâu này cho cá ăn. Còn nay, do kỹ thuật nuôi được phổ biến rộng rãi nên nguồn cung tăng, giá hạ xuống và được bán đại trà. “Tôi nghĩ rất khó cấm triệt để nghề nuôi sâu vì đây là thức ăn không thể thiếu của cá rồng, loại cá cảnh đang “hot” hiện nay” - ông Thủy suy đoán.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Thanh ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang, một người nuôi sâu gạo superworm với quy mô lớn hơn 2 năm tại An Giang, tỏ ra rất bất ngờ và lo lắng về việc cấm nuôi sâu. Anh cho rằng nhà nước không nên cấm nuôi sâu gạo mà chỉ cần có quy định chặt chẽ từ khâu chăn nuôi đến vận chuyển, buôn bán là được vì theo kinh nghiệm của anh, loại sâu này chỉ thích hợp ở nhiệt độ từ 22-28 độ C. Nếu môi trường xung quanh dưới hoặc trên mức nhiệt này thì sâu sẽ chết và trứng sâu cũng không thể nở.
Anh cũng từng đem đọt lúa non và cả hạt lúa vào khay nuôi nhưng sâu không bao giờ ăn tới. Do đó, nếu nói sâu gạo thoát ra môi trường tự nhiên trở thành mối hiểm họa cho sản xuất nông nghiệp là chưa có căn cứ. Chưa kể lượng sâu được các hộ nuôi dựa trên nhu cầu thực tế nên khó có khả năng dư thừa để phát tán ra bên ngoài.
Theo anh Thanh, đây là loại vật nuôi mới lạ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao mà không cần chi phí đầu tư lớn. Dân nghèo chỉ cần số vốn hơn 3 triệu đồng để mua bọ giống và một số dụng cụ để gây nuôi là có thể kiếm thu nhập không dưới 3 triệu đồng/tháng. Bản thân anh, sau hơn 2 năm nuôi sâu, gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đeo đẳng. Từ số vốn ban đầu chỉ 600.000 đồng, anh đã xây được căn nhà mới hơn 250 triệu đồng và để dành được một ít vốn chuẩn bị cưới vợ. Nghề nuôi sâu của anh Thanh từng được coi là mô hình khá mới lạ và địa phương dự kiến nhân rộng.
Không ít người ở An Giang và một số tỉnh khác như Bình Dương, Khánh Hòa... biết anh Thanh nuôi sâu gạo thành công đã tìm đến mua con giống và học tập kỹ thuật nuôi. Tuy nhiên, những người đến mua con giống đều phải ký cam kết không cho sâu thoát ra môi trường cũng như không được hướng dẫn cho người khác một cách rộng rãi để dễ trong quản lý. Bản hợp đồng này sau đó còn được chính quyền địa phương xác nhận.