Đây là ý kiến được một số chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Chuyển động của dịch vụ tài chính trong thời đại số", do Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 5-12, tại TP HCM.
Theo các diễn giả, chuyển đổi số là xu hướng không thể bỏ qua của doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính. Và doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nếu muốn có những lợi thế để phát triển trong tương lai.
Ông Phạm Minh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cho biết xu hướng công nghệ đang thu hút sự chú ý trên thị trường như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Robotics hay 5G… đang định hình lại thị trường và tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới với hành vi khác hoàn toàn so với 5-7 năm trước.
Những hành vi của người dùng thời điểm này tùy thuộc vào sự tiện lợi, cá nhân hoá và đặc biệt không trung thành với bất kỳ thương hiệu nào. Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy khoảng 65% đơn hàng mua sắm diễn ra vào ban đêm từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau; khoảng 51% người Việt sẵn sàng mua xuyên biên giới để nhận ưu đãi như mua từ Mỹ phụ kiện công nghệ, thuốc, thời trang; mua từ Anh mua giày, quần áo mỹ phẩm…
Dự báo đến năm 2020, khoảng 20% những đơn hàng online ở Việt Nam sẽ đến từ những thiết bị hiện đại.
Thanh toán bằng ví điện tử ngày càng phổ biến
Ông Nguyễn Hoàng Ly, Chủ tịch HĐQT Công ty Finteck, cho rằng công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tiếp cận những thị trường mới nhanh hơn và mạnh hơn. Đồng thời, mở ra những cơ hội tương đương cho các đối thủ, vì vậy doanh nghiệp phải đổi mới sản phẩm và kỹ năng phục vụ liên tục để có thể cạnh tranh được.
Áp lực này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để phục vụ, giữ chân khách hàng. Như tại Công ty tài chính Fe Credit, ông Kalidas Ghose, Phó chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc, nhìn nhận doanh nghiệp cần làm chủ công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam.
Như việc Fe Credit đã ra mắt ứng dụng mới, nếu trước đây quy trình cho vay mất 4-5 ngày thì qua ứng dụng này, thời gian còn 15 phút và quy trình duyệt vay không có sự tham gia của con người. Doanh nghiệp cũng tự động hoá với nhiều giải pháp như công nghệ nhận diện chữ viết, nhận diện tiếng nói, chữ ký điện tử; chuyển từ giọng nói thành văn bản và ngược lại, để hỗ trợ và thay thế các công đoạn thủ công trước đây..
Một xu hướng đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Hoàng Ly, áp lực của doanh nghiệp fintech trong nước sẽ ngày càng lớn vì doanh nghiệp nước ngoài có tốc độ thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường rất nhanh. Một số doanh nghiệp fintech phát triển tương đối sẽ bị các tập đoàn lớn của nước ngoài mua lại. Vì vậy về lâu dài, không loại trừ khả năng doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm chủ lĩnh vực fintech của Việt Nam.
Trao đổi với Báo Người Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo, lại cho rằng doanh nghiệp fintech trong nước như MoMo có đủ tiềm lực và tự tin để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
"Trong thị trường này, doanh nghiệp nào mạnh về vốn không có nghĩa sẽ giành lợi thế, quan trọng là có sản phẩm hiểu người dùng, hiểu biết về thị trường và tâm huyết thì doanh nghiệp fintech Việt Nam sẽ đứng vững trên thị trường" – ông Diệp nói.