Bầu Đức và bầu Long, hai đại gia nỗi tiếng của Việt Nam
Sẽ mua máy bay mới
Trong những ngày đầu năm Ất Mùi, tên tuổi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại phủ đầy mặt báo . Bầu Đức được nhắc tới nhiều vì có tin đồn ông lên kế hoạch tậu máy bay mới.
Theo nhiều nguồn tin, máy bay mà bầu Đức tính mua là máy bay Legacy 600, có giá khoảng 20 triệu USD. Legaxy 600 là loại siêu máy bay kích thước trung bình chở được 13 hành khách, có nội thất tiện nghi và riêng tư với ba khu vực cabin riêng.
Với tầm bay 6.019km với 8 hành khách hoặc 6.297km với 4 hành khách, Legacy 600 là một trong bảy loại máy bay phản lực riêng chở từ 8-19 khách được một số khách hàng lựa chọn vì tiện nghi và tính cơ động cao.
Bầu Đức không muốn ai biết việc mình mua máy bay mới nhưng ông không phủ nhận tin đồn này mà chỉ phủ nhận ông mua máy bay mới để chở cầu thủ.
Trò chuyện với báo Thanh Niên, bầu Đức cho biết: “Làm gì có chuyện Hoàng Anh Gia Lai bỏ ra mấy chục triệu USD mua máy bay chỉ để chở cầu thủ đi đá bóng. Tôi luôn có những quyết định táo bạo, khác người, nhưng quyết định nào cũng dựa trên lợi ích chung của tập đoàn và phải hợp tình hợp lý”. Việc bầu Đức thay máy bay ít nhiều khiến dư luận chú ý. Tuy nhiên, lần mua sắm này không tạo được “tiếng vang” như lần mua sắm cách đây 7 năm.
Năm 2008, bầu Đức thực sự tạo nên cơn “chấn động” khi trở thành doanh nhân Việt Nam đầu tiên trong thời kỳ hiện đại sở hữu máy bay riêng. Năm đó, bầu Đức mua chiếc máy bay hiệu Beechcraft King Air 350, số seri FL-417 do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất; động cơ Pratt & Whitney PT 6-60 A (Canada). “Đồ chơi” này trị giá 7 triệu USD.
Với đại đa số người dân, mua máy bay là hành động chơi trội. Nhưng với bầu Đức, người có khối tài sản khổng lồ, bỏ ra vài triệu USD mua máy bay không khác gì người bình thường bỏ vài chục triệu mua một chiếc xe máy . Vì vậy, lần “đổi” máy bay này của bầu Đức cũng giống như người bình thường chuyển từ xe Wave sang SH.
Nổi đình nổi đám không kém bầu Đức về khoản sắm “đồ chơi” xa xỉ là ông Trần Đình Long (bầu Long), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Đứng ngay sau bầu Đức trong Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bầu Long chẳng tiếc gì khi chi 5 triệu USD để sở hữu chiếc máy bay riêng trực thăng riêng. Theo một nguồn tin thân cận của ông Long, cộng tất cả các chi phí lại, mỗi tháng đại gia Trần Đình Long phải mất trên dưới 2 tỷ đồng “nuôi” máy bay. Số tiền này có thể mua được một chiếc ô tô hạng sang. Không lâu sau đó, bầu Long lại chi 7 triệu USD để sắm chiếc máy bay 12 chỗ.
“Đua nhau” chăn bò
Có vẻ như bầu Đức thường đi trước bầu Long một bước. Vừa đi trước bầu Long chuyện mua sắm máy bay, bầu Đức lại nhanh chân… “chăn bò” trước bầu Long. Tháng 6/2014, sau khi khá thành công với lĩnh vực nông nghiệp như làm mía đường, trồng cao su, bắp, Hoàng Anh Gia Lai rầm rộ công bố kế hoạch… chăn bò. Bầu Đức cho biết khoảng 6.000 tỷ đồng sẽ đầu tư cho phát triển đàn bò, phần còn lại cho nhà máy chế biến bò sữa và bò thịt.
Chia sẻ với báo chí, bầu Đức cho biết: "Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh". Bầu Đức hoàn toàn có lý do tin tưởng vào kế hoạch làm “nông dân” của Hoàng Anh Gia Lai vì dù chưa đến mùa “thu hoạch” nhưng bầu Đức đã có “đầu ra”.
Trước khi nuôi bò, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt tay với hai đại gia hàng tiêu dùng Vissan và Nutifood. 3 công ty ký kết hợp tác sản xuất bò thịt, bò sữa với tổng vốn đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng. Một lần nữa, bầu Long lại đi sau bầu Đức. Giữa tháng 2/2015, Hòa Phát đã thông qua phương án thành lập công ty để thực hiện các hoạt động chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp. Hòa Phát chưa công bố “đường đi nước bước” cụ thể của kế hoạch này nhưng với nguồn lực đáng nể của Hòa Phát, nhà đầu tư khá tin vào chiến lược mới mà Hòa Phát vừa công bố.